- Có công việc làm để quên đi thì thôi, còn khi rảnh rỗi lại suy nghĩ đến
thì trong lòng lại buồn ray rứt, tuy không nói ra mà thôi.
- Sống đã khổ trăm đường ngàn nỗi, con người đến lúc chết có được
sung sướng hơn hay không?
- Tôi chưa được thấy một người nào, chết mà vui vẻ, đẹp đẽ hết. Có
người chết vì đói, có người bị xe nghiến nát nhừ; có người lại chết trong lúc
đang tràn trề nhựa sống, có người lại chết nơi tha phương không được
người thân nào vuốt mắt, ấy là chỉ nói đến thời bình. Còn chết trong thời
loạn này càng rùng rợn hơn. Đương sống yên vui với vợ con tự nhiên bom
đạn dội xuống chết lòi ruột nát thây, có người lê gót cả ngày đi kiếm miếng
ăn cho gia đình thì bị mìn nổ cụt cả tay chân, có người để vợ chửa ở nhà đi
hành quân bị chết nơi xa trường v. v...
Nghĩ đến bao nhiêu cái chết đó, tôi buồn hết sức.
- Về cái chết của Tôkubê, mới nghe thì thê thảm nhưng nghĩ kỹ lại một
chút tôi thấy cũng thường như bao nhiêu cái chết khác trong thời chiến
tranh. Tuy có một điều tôi băn khoăn một chút là tại sao sau khi chết, mặt
mũi và thân thể Tôkubê lại bầm nát và trầy trụa như bị những miểng gì đâm
lủng da lủng thịt.
- Ông Tư (ông Ômya bây giờ kêu tôi bằng ông Tư), ông Tư à, không
phải chỉ có một mình ông nói cho tôi biết như thế đâu. Đọc tờ chứng nhận
của viên bác sĩ khám nghiệm tử thi Tôkubê, hiện còn lưu trữ trong nhà
thương Đồn Đất, tôi cũng thấy ghi như thế mà không có kết luận. Thế nghĩa
là sao? Bác sĩ không biết lý do? Có lúc nào người ta nghi ngờ rằng ở sau cái
chết này có một vụ đầu độc không?
- Điều đó, ông bạn khỏi lo. Ít lâu sau đó, nhà hữu trách đã mời tất cả
những người ăn tiệc tân gia hôm đó ở nhà tôi lên cơ quan xét hỏi, nhưng
tuyệt nhiên không tìm được điều gì hữu ích chứng tỏ Tôkubê bị người ta
mưu hại. Tôi còn nhớ lời chứng của hai bác sĩ khác đã nói hôm thẩm vấn
cuối cùng: nếu người chết bị đầu độc, các dấu hiệu hiện ra trên da thịt và
mắt mũi sẽ thành những vệt đen và chung quanh miệng, mắt và ở bụng sẽ