vô hình quất vào đầu vào cổ, vào thân thể cho đến lúc ngã lăn ra chết ngất
trên mặt đất.
Tôi lặng im, không nói một hồi lâu. Lúc ấy đêm đã khuya lắm. Ở bên
ngoài, không có tiếng một người đi lại. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng máy xe
của một chiếc xe nhà binh chạy như bay trên đường. Lá y lăng gặp gió
mạnh kêu lào xào như gọi nhau đề phòng những bất trắc đang rình mò trong
đêm tối.
Xa xa, có tiếng quạ kêu ong óng buồn. Tôi chép miệng:
- Tội nghiệp!
- Ông bảo tội nghiệp gì?
- Tội nghiệp cho Tôkubê. Chớ chẳng lẽ tội nghiệp cho con quạ kêu
sương sao.
Ômya cười lạnh lẽo, nói:
- Nếu phải tội nghiệp cho Tôkubê, tôi là người đầu tiên tội nghiệp cho y
vì tôi đã thấy gia đình y khắc khoải chờ đợi y như thế nào... Họ nhờ tôi
nhiều việc... Nhưng chỉ tội nghiệp cho Tôkubê thôi thì không đủ. Những
người như chúng ta phải tội nghiệp cho tất cả... vì tất cả đều đáng cho ta
thương hại. Trước khi tội nghiệp Tôkubê, sao ta không biết tội nghiệp Mệ
Hoát và o Phương Thảo và bao nhiêu cổ ngoạn tốt đẹp yên ổn qua bao thế
kỷ nhưng tự dưng ở đâu có người lạ đến đập phá tan tành, đốt nhà đốt cửa...
Những người biết suy nghĩ đều cảm thấy một cái buồn mênh mông lan
tràn trên dương thế và cái kiếp vận của con người thật não nùng ai oán.
May là các nhà trí thức, các vị tu hành, các ông giáo chủ lại nghĩ ra được
đạo giáo này, đạo giáo kia để ru ngủ người ta, họ chủ trương rằng người ta
sống khổ ải ở trên thế gian này khi chết đi tức là hóa sinh, tức là liễu đạo, vì
vậy người ta mới không được phép tự tử, trái lại người ta lại cố sống để chờ
ngày ra đi sung sướng hơn hiện tại bi thảm, nhục nhã, đau khổ này.
- Không có lúc nào, mà tôi thấy ông bạn bi quan như hôm nay.