được vì họ đặt tin tưởng nơi mình.
Tôi nói:
- Có lẽ không nói gì thì hơn hết. Mà nếu tôi ở địa vị ông, tôi cũng sẽ
không nói chi tiết cái chết của Tôkubê làm gì vì mẹ và vợ Tôkubê biết rõ thì
họ chỉ càng buồn rầu, đau khổ thêm thôi.
Chúng tôi lại uống. Buồn quá, mà uống rượu, có nhiều khi uống không
biết thế nào là say. Ômya tưởng tượng đến cảnh gia đình Tôkubê ở Kyotô
lúc này thảm đạm không biết chừng nào; có lẽ mẹ anh nhớ con mà chết rồi
cũng không chừng! Còn vợ anh ta thì chẳng biết bây giờ đắp đổi lần hồi ra
sao để nuôi hai đứa con thơ ấu?
Ông Ba Sạng hỏi đi hỏi lại về ngày, giờ chết của Tôkubê và phàn nàn
mãi tại sao lúc khâm liệm không nhớ cho một miếng vàng vào miệng người
quá cố "vì việc đó hệ trọng lắm. "
Riêng tôi, không nghĩ gì đến Tôkubê nữa vì những gì tôi thấy hồi sáng
ghê rợn quá, đến lúc ấy còn làm cho tôi muốn ói.
Giờ đây tôi cứ ngồi uống và chỉ biết uống thôi. Tôi là tay rượu, nhưng
chưa có bao giờ lại uống dữ đến như thế uống đến độ mà hai ông bạn ra về
hồi nào tôi cũng không hay.
Nửa khuya, tôi chợt thức dậy vì cánh cửa sổ đập ầm ầm. Lá cây y lăng
kêu rào rào, thỉnh thoảng lại có mấy cành khô gãy kêu răng rắc và rơi lộp
bộp xuống cái sân sau nhà.
Tôi nằm im không động đậy để nghe.
Ở ngoài kia, trời tối om om, tối mịt mù, thỉnh thoảng lại có một lằn
chớp xanh lè lóe lên và chạy ngoằn nghèo như những con rắn ở trên nền
trời thấp lè tè, sũng nước,
"Quái, sao lại thế này? Bay giờ là cuối tháng chạp sắp Tết, khí hậu phải
hanh hao mới đúng, sao khi không lại nổi dông gió và như muốn mưa to thế
này?"