Ô hô! Giàu sang một đời, nằm xuống đất, nay đã gần một trăm năm
mươi năm, thế mà chưa được yên thân! Cháu con lâu đời ắt đã lui về quê cũ
hoặc Bắc hoặc Trung, còn sót những đứa ở lại đây, một nắm xương tàn đối
với chúng sao trọng bằng tiền bạc, nên chúng đã ký tên bán đất, phú cho
phu phen phá mồ đào cốt, cải táng về đâu mặc kệ. Ván hòm cứng thật. Bề
ngoài mốc mốc, đất ăn xầy xầy, tưởng bở, chạm sâu một phân tây mới biết
là cứng vô cùng, thậm chí đến cái máy khoan điện thuở nay nào biết kiêng
nể thứ gì, sức bực sắt đá mà nó còn nhai như bánh bột, thế mà máy khoan
không đâm thủng nắp hòm! Khoét được lỗ nào chỉ đứt được lỗ đó, còn
chung quanh thì vẫn y nguyên. Khoan cả mấy giờ, không xuể đâu vào đâu,
phu phá mồ xổ chữ nho nghe mà mệt! Thét rồi chúng chạy về lấy búa thầu
và đục thép cỡ lớn ra nói chuyện với cái hòm gỗ huỳnh đàng! Nghĩ mà tội
nghiệp cho người nằm dưới đó! Sắm hòm cây danh mộc, tưởng đủ chịu
đựng với thời gian, không dè kẻ thù ngày nay là đứa cháu bất hiếu, với tên
võ phu tay cầm búa thầu đục thép. Không một tiếng não bạt, ê a, không một
câu kinh an ủi. Nằm trơ đó cho người ta mổ búa lớn vào nắp vào đầu...
Chung quy có mớ đồ vật ký thác Viện Bảo Tàng còn lưu lại hậu thế; kỳ dư
trở về tro bụi hết, trở về tro bụi hết!"
Ông Ba kết luận:
- Đấy, chuyện vô lý như thế đấy, nhưng không tin cũng không được vì
là thật, hoàn toàn thật.
- Chuyện cậy hòm ông Tôkubê có khác gì không?
- Nếu Sở Quản Thủ Bảo Tàng Sài Gòn đến bây giờ vẫn chưa tìm ra
được lý do câu chuyện huyền bí đó, tôi thiết tưởng cái cá nhân hèn mọn của
chúng ta cũng chẳng nên tự phụ đi sâu hơn vào vụ bốc mộ ông bạn của
chúng ta làm gì!