những cái gì mà ta cho là có tính cách trường tồn thì đều hóa ra tro bụi, trái
lại, những cái gì mà ta cho là phù du, mau hư mau hỏng, mau tan rã, mau
tiêu thì lại còn nguyên vẹn gần như mới vậy.
"Ngoài cây quạt nan phết giấy cầm lên xòe ra như thường không lủng
một lỗ trên giấy phết, không gẫy một cái nan tre, người ta còn lần lượt lượm
lên được nhiều thứ khác không hư hao gì hết, mặc dù đã chôn kỹ dưới đất
trên dưới 150 năm trời, như vỏ cau ăn trầu, giấy tiền vàng bạc, bọc vải đựng
trầu, thuốc xỉa, bút lông, khăn chít đầu... "
"Vỏ cau ăn trầu nửa xanh nửa vàng còn dính liền vào trái; giấy tiền
vàng bạc còn nguyên từng xếp buộc bằng lạt, mực in không phai nhòa,
không rách (duy có thuốc xỉa ra gió một lát thì tan ra thành bụi) nhưng trái
lại những đường chỉ kim tuyến thêu trên túi đựng trầu thì vẫn ràng ràng
sáng chói y như mới; hai cây bút lông bọc trong một tấm vải hồng điều
cũng y như mới, cán bằng trúc, không hề hấn gì, lông ở ngòi mềm mại, mới
tinh, tưởng chừng như có thể chấm vào nghiên mực viết như bút mới,
nhưng chỉ ra ngoài gió một lát thì lông rụng tả tơi và rơi ra khỏi quản. "
"Ông Ômya vừa hỏi tôi người là người Trung Hoa hay người Việt. Đây,
tại sao anh Vương, một học giả lão thành rất giàu suy nghiệm lại quả quyết
như thế, vì hai hàm răng của người chết còn nguyên trong miệng và nhuộm
đen. Sự việc đó đủ chứng tỏ rằng người chết là người Việt gốc gác không ở
Bắc thì ở Trung. Ngoài ra người chết lại còn chít khăn vấn tay ở trên đầu,
mặc áo dài lồng vào với nhau và có đẫy đựng trầu cau chạy chỉ kim tuyến!"
"Như vậy đã đủ chứng minh là người Việt chưa? Chắc rồi, nhưng người
Việt đây không phải là một người có chức tước triều đình (vì chít khăn cài
lược đồi mồi chớ không đội mão), tuy vậy, ông ta nhất định phải thuộc vào
cái hạng phong lưu khá giả, chứng cớ là có đem theo xuống suối vàng hai
ngọn bút lông, cây xỉa rằng làm bằng bạc, cái móc tai dát vàng, hai bao
đựng thuốc xỉa, thuốc hút và cái đẫy đựng trầu ăn"
"Tôi nhớ sau vụ này, anh Vương đã ghi lại cảm xúc của anh trong
những câu rất buồn sau đây: