Chương Mười Lăm
Bà người Huế bán bánh nghệ ở xóm Cây Me Mát chính là Mệ Hoát mà
chúng ta đã thấy xuất hiện lên cùng với cháu là Phương Thảo tại căn nhà
nhỏ của tôi ở khu Chợ Quán. Mệ ở đâu mà lại tới đây lập quán? Theo các
cụ kể lại, khu Võ Tánh hiện nay, trước đây, kêu là khu Thuận Kiều. Ở đó có
trại Ô Ma, Chợ “Ðiều Khiển”, “Sở nuôi ngựa” của binh Pháp cất trên một
ngôi chùa cũ kêu là “Kim Cương Tự”. Trong thành lính tập Ô Ma, có miếu
thờ các công thần nhà Nguyễn lập năm 1804, kêu là “Hiển Trung Từ” có
bài vị thờ 1,015 tử sĩ liều mình vì nước. Năm 1927, miếu này được trường
Bác Cổ trùng tu.
Qua năm 1930, triều đình Huế cử một đại thần vào trong này tế tự. Ngài
cùng đi với phu nhân. Không hiểu vì sao hai ông bà bất đồng quan điểm ra
sao (ông thì kêu một ngàn mười lăm tử sĩ ấy là những nhà ái quốc liều mình
vì nước trong các trận chống Tây Sơn mà bà, trái lại, lại cho những người
ấy mù quáng không biết phân biệt thù với bạn), bà ở lại không trở về Huế
nữa, can đảm lập ra cái quán bánh nghệ nói trên và sống với một người
cháu (kêu bằng dì nhưng thật ra là cháu nuôi).
Vì không muốn lưu lại một tàn dư với người chồng trước, bà xưng là
Mệ Hoát (lấy cớ tên cố sơ là Huyết, phải cữ, nhưng chính thực để khỏi nhắc
đến tên chồng cũ là Huyết) nhưng dân ở đó kêu bà là “bà người Huế bán
bánh nghệ”. Ai cũng mến thương bà vì không những bà lịch sự khéo ăn
khéo ở với lối xóm mà lại còn thông văn sách, đêm đêm rảnh rỗi mà ngâm
thơ chữ nôm thì ai cũng phải say mê, mặc dầu không hiểu ý câu thơ phú đó.
Ngoảnh đi ngoảnh lại được mười hai năm trời, cái quán bánh nghệ của
bà đã được sửa sang to tát, rồi quên đi một dạo nữa, bà đã xây thêm được ba
gian nhà ở cách cái quán bánh nghệ chừng hai trăm thước.
Ba gian nhà ấy, theo lời ông Ba Sạng, tức là chỗ tôi đang mướn ở một
gian bây giờ.