Năm 1940, Nhật đổ bộ lên Ðông Dương. Thấy tình hình rối ren, bà
không bán quán nữa, giao cho cháu là Phương Thảo trông nom. Còn bà lúc
ấy đã già rồi, vào khoảng bảy mươi tư bảy mươi lăm gì đó – thì rút về ở
trong giãy nhà ba gian do bà xây cất để ngâm thơ, đọc sách và thỉnh thoảng
lại làm một vài thứ mứt, kẹo để trước là thưởng thức sau là đem biếu các bà
con trong thôn xóm. Vì bà là một người không những không văn hay chữ
tốt mà lại tài nghệ nấu nướng, nhiều sĩ tử lúc bấy giờ thường đến xướng họa
và bàn thời thế, nhưng đặc điểm của bà không phải ở chỗ đó.
Bà được nhiều người mến phục, còn vì một điểm khác mà có thể nói là
ít có người đàn bà con gái nào sánh được: Mệ Hoát sành đồ cổ đến cái mức
mà nhiều người đàn ông chơi đồ cổ lúc bấy giờ đã phải suy tôn là “người có
ngọc nhỡn trong khoa chơi đồ ngoạn” và mỗi khi mua sắm thức gì vẫn phải
đến hỏi ý kiến hay nhờ bà coi giúp.
Vào lúc bà được ngót bảy mươi hai tuổi, nhà bà là cả một kho tàng cổ
ngoạn, đồ nhiều và quý có khi còn hơn cả Viện Bảo Tàng.
Thôi thì không còn thiếu thức gì: lọ lục bình đời Ðường, men Tống
Ngọc, thúy hồng, thúy lục, các cỡ ấm, bình, chóe, nước da Ðông Thanh,
đỉnh đồng thời Thương, Ân, Châu, Hán nhất nhất đều có, nhưng quý vào
bậc nhất là những cổ vật đào tại Trường An, Hàm Dương ở nhà bà cũng có.
Thậm chí những nhà chơi đồ cổ nổi tiếng ở Ðế Kinh, Bắc Việt nghe tiếng
bà tìm đến, thảy thảy đều phải lấy làm ngạc nhiên sao nhà bà nhiều đồ xưa
quý lạ đến thế và tự hỏi không biết bà sưu tập tự bao giờ mà có được một
kho tàng báu vật lạ lùng đến thế. Có người sưu tập sách cổ; có người mê
chim mê đàn; có người mê tranh mê chữ; nhưng mê cổ ngoạn đến như Mệ
Hoát thì có lẽ chưa thấy có ai như vậy.
Thường thường, người ta mê cổ ngoạn vì cho cổ ngoạn là đồ xưa, quý
tại cách chế tạo tinh vi đến tột bực mà phương pháp đúc nặn, chế men, pha
thuốc đã thất truyền; ngày nay, khoa học dù tân tiến đến cái bực bắn phi đạn
lên được cung trăng, thả người xuống hàng tháng trời dưới biển cũng không