người lại nát ra như thể bị trăm ngàn miểng sứ miểng sành đâm nát bấy cả
người?
Ông Ba Sạng cũng như ông Ômya và tôi, tuyệt nhiên không thể hiểu
một li nào hết.
Thế rồi tháng một và nửa tháng chạp qua đi. Một hôm, đương giúp tay
ông Yên lau nhà dọn bàn thờ, bát hương, bài vị ở mấy bàn thờ thiên, thổ
địa, tiền chủ, ông Ômya đến tìm tôi, cho biết là ông về miền Trung thăm
mấy người bạn, có lẽ mùng hai mùng ba tết gì đó sẽ trở lại đây, chúc tết và
lì xì cho tôi. Tôi biết vậy, tôi không để ý nhiều, vì Tết bận rộn nhiều công
việc không đâu, một phần cũng tại vì buồn phiền, chán nản vì nỗi xa nhà
cửa, vợ con. Nếu chiến tranh cứ kéo dãi mãi thế này, không biết đến bao giờ
mới lại đoàn tụ như ngày trước.
Ðêm mùng hai Tết, tôi uống rượu thật say đi ngủ. Nửa đêm, mở mắt
nhìn ra sân khoảng tối tăm mù mịt ở ngoài gác sân thì thấy cái bóng trắng
của Mệ Hoát đi qua những cái chấn song sắt ở cửa sổ, bước vào phòng tôi.
Trên cổ mệ quàng một cái khăn voan trắng, còn ở tai đeo một chiếc vòng
không biết bằng gì nhưng lóng lánh như một ngôi sao sáng trong đêm tối.
Tôi hỏi:
- Hôm nay mệ đi một mình, o Phương Thảo đâu rồi?
Mệ đáp:
- Cháu có công việc bận.
Nét mặt của mệ nguyên vẫn mờ mờ, trông không được rõ rệt bao giờ,
hôm nay, tiết ra cái gì khác hẳn những lần tôi gặp trước.
Nó bềnh bệch mà lại bàng bạc như một cái cây ta thấy trong mơ, thực ra
thì đứng xa chỉ thấy lá rung lên khe khẽ nhưng tự ta lại biết chắc rằng
những cái lá ấy ướt đẫm những mưa móc ban đêm.
Tự nhiên, nhớ lại giọng nói của mệ vừa đây, tôi có cảm giác là mệ
nghẹn ngào nước mắt. Mệ đứng lặng một hồi lâu không nói gì. Tôi mời mệ
ngồi, mệ nói: