nhà “Thiếu Úy Biền” cũng đến giúp, còn có một chân mà rất hăng hái, việc
gì cũng biết làm. Mảnh vườn nhà dần dần xanh tốt lên, toàn là rau ngót, sắp
được bán lứa đầu rồi. Thế là một gia đình liệt sỹ có một đứa con trai đang
ngày một khá lên ở đây.
Trên bàn thờ cũng để một khung ảnh, nhưng không có ảnh khổ to, ở góc An
cài tấm ảnh chân dung cũ vàng của Kiên vào, bên cạnh còn có khung kính
để sẵn đấy, như đang chờ “bảng gia đình vẻ vang”(49). Mỗi khi đến chơi,
Mùi vẫn thắp hương, có lần nhìn gương mặt và nụ cười tươi tắn rạng rở của
An, chị đùa:
- Sao em không viết thư hỏi xem thế nào?
- Hỏi ai nữa hả chị, em viết thư đi khắp rồi-An cố trả lời Mùi cho qua đi.
- À, Chị Mùi lại cười vui-Viết cho hắn hỏi xem đã “liệt” hẳn chưa, em còn
phải lấy chồng.-An hiểu ý rồi cùng cười giòn tan.
Ở làng, ai giúp gì cũng được cám ơn rất chân thành, ai giúp vật chất, nhất là
tiền đều được ghi chép cụ thể ngày tháng, bao nhiêu...rồi thanh toán lại đầy
đủ. Người dân ở đây tính đại khái, nay thấy An làm việc nguyên tắc, cụ thể
nên phục lắm. Họ còn kháo nhau là An chắc chắn học cao, chữ viết đâu ra
đấy, tiền bạc phân minh lắm, chỉ có mỗi sào rau ngót với cái chuồng lợn mà
nuôi con nên người. Cái xã Bắc Lý này có khối nhà đầy lao động, không lo
đủ ăn, nhiều khi còn phải đến vay mượn của cô ấy, thế mới tài chứ.