- Cậu Tuấn đó, anh ạ. Cậu ấy biếu cả gói em không dám nhận, em chỉ
nhận đủ phần anh một cái, em một cái, để cậu ấy vui lòng.
- Em biết xử sự rồi đó.
- Em đã biết "xử thế", nói theo lời cha thường dặn, chớ anh! Hai anh em
cười vui vẻ. Bỗng nghe tiếng chẻ củi đằng sau nhà bếp, Côn chưa kịp hỏi
anh thì Khiêm nói:
- Quang đang chẻ hộ anh em mình.
- Anh và em chia nhau một cái, còn cái kẹo này đưa phần Quang, anh ạ.
Côn cầm chiếc kẹo chạy ra sau nhà đưa cho Hồ Quang, người học trò mà
cha mẹ không có đất cắm dùi, sống lênh đênh trong chiếc thuyền te trên các
dòng sông.
*
Mặt trời chênh chếch hàng cây bên mái hiên tây. Gió hiu hiu thổi. Hương
sen thoang thoảng mơ hồ!
Côn ra cửa Đông Ba đón mẹ chợ về. Côn ngạc nhiên gần như ngơ ngác
nhìn những mâm cỗ đặt cúng dọc hai bên đường; ở các ngã tư, ngã ba
đường cỗ cúng lại càng nhiều. Rất nhiều mâm bỏng, nồi cháo hoa, đĩa
muối, đĩa gạo, có cả vàng giấy, vàng vó la liệt... Ai đi qua mâm cỗ cũng ghé
nón, cúi đầu tưởng vọng. Thỉnh thoảng có cán, xe ngựa, xe song loan của
các ông hoàng, bà chúa, các quan Nam, quan Tây đều phải xuống đi chân
qua nơi đang nghi ngút khói hương.
Dưới các bóng cây hai bên đường, những tốp người quần áo rách mướp,
gầy gò, lem luốc đứng lố nhố, tay cầm rá rách, nồi đất, mắt chau háu nhìn
vào cỗ cúng chờ đợi hương tàn để được cướp cỗ!... Côn chưa gặp được một
người quen nào để hỏi về cái tích gì mà có lệ cúng này. Từ ngày theo cha
mẹ vào kinh đô ở, hơn mười tháng, Côn chưa hề gặp cảnh cúng đường
cúng sá lần nào. Côn tha thẩn ngoài cửa Đông Ba. Không biết đích xác mẹ
đi chợ nào. Côn chỉ nghe mẹ nói với cha: "Hôm nay ngày lẻ, quanh đây
không có chợ phiên chính, phiên xép ít người bán sợi. Tôi phải đi chợ xa
mua sợi, mấy ngày nghỉ dệt rồi...". Mắt Côn luôn luôn hướng về phía cầu