Mấy hôm sau anh cử Sắc mới kể tiếp được. Nhưng Khiêm lại không
được nghe. Vì người bạn thân của anh cử Sắc lâu ngày đến thăm; hôm bạn
trở về lại đúng vào ngày anh Sắc phải chủ trì cuộc bình văn ở Quốc Tử
Giám, không đi tiễn bạn được, anh phải cho con trai trưởng đi hầu tráp tiễn
bạn. Hai hôm sau Khiêm mới từ nhà bạn của cha trở về thành Nội.
Côn ở nhà được nghe cha kể tiếp, và Côn cũng được cha giao việc:"Nghe
những điều cha kể, con phải thuật lại cho anh Khiêm của con. Con nói theo
cách của con. Miễn là nhớ đầy đủ những sự việc hệ trọng, những tên người,
những chi tiết diễn biến của câu chuyện mà cha sắp xếp khi kể cho con
nghe"... Anh cử Sắc biết sự sáng dạ, sức nhớ lâu và khiếu kể chuyện của
Côn. Từ hồi lên năm tuổi ở với bà ngoại Côn được bà kể chuyện cổ tích
cho nghe lúc tối, sáng hôm sau bé Côn kể lại cho đám trẻ hàng xóm nghe
chẳng những mạch lạc như bà, mà còn thêm thắt chi tiết hợp lý, có duyên.
Anh nghiệm thấy: Thầy dạy cho học trò làm thơ, làm phú, làm câu đối,
thường thì học trò nào cũng làm được, làm đúng phép, đúng niêm luật.
Nhưng thơ hay là tự thân học trò, không một người thầy nào có thể dạy nổi.
Đã từng có học trò mới mười tuổi làm được một số bài thơ hay mà thầy học
là cử nhân, tiến sĩ không làm nổi.
Quan niệm như vậy, anh càng chú ý rèn cho Côn sớm phát triển thiên tư.
Hôm sau khi bé Côn kể lại cho Khiêm nghe, anh cử Sắc vờ uống rượu đã
ngủ say để bé Côn kể được tự nhiên. Chị cử Sắc ngồi dệt vải như thường lệ
nhưng tai vẫn lắng nghe bé Côn kể chuyện với anh trai mình.
Côn nói:
- Anh ơi, em nhớ được bao nhiêu, em kể bấy nhiêu. Anh nghe mà thấy
có chỗ nào không rõ, anh hỏi cha, anh nhé!
- Em nỏ phải lo!
- Bữa trước anh em mình nghe cha kể đến hồi giặc Tây dương sang Tàu
ngoặc nhau với triều đình nhà Thanh, mua bán với nhau về đất Bắc Kỳ của
ta. Giặc Tây đương giành được phần hơn tại cuộc mua bán ma quỉ đó.
Thằng quan Tây dương đang ở Tàu liền gửi ngay "đại hỏa tốc" (điện tín) về