giải nỗi sầu muộn, chỉ biết ăn uống thật nhiều của ngon vật lạ, nên bà nào
cũng phì nộn, nhưng Công tước phu nhân Anbơ thì thân hình vẫn thanh tú
và khi nàng quay mình để nói nhỏ với một thể nữ trong đám tùy tùng thì
Gôya nhận thấy nàng cũng mềm mại nhanh nhẹn chẳng kém gì đấu sĩ
“banđoriô” đang biểu diễn.
Hình như nữ Công tước linh cảm thấy cái nhìn say đắm, thôi thúc của
chàng trai trẻ, nàng cũng nhìn lại anh thẳng thắn, không chút e dè. Chắc
hẳn nàng đã nhận thấy ở anh có những nét đặc sắc, nên nhìn anh khá lâu.
Còn Gôya lúc ấy, chẳng suy nghĩ gì được nữa, anh như bị lóa mắt bởi sắc
đẹp của nàng, quên cả giữ gìn phép lịch sự. Anh chỉ còn nghĩ được rằng từ
nay có lẽ sẽ chẳng còn thấy ai đẹp bằng Công tước phu nhân Anbơ nữa.
Khi nàng thôi không nhìn anh và quay lại xem diễn biến trong trường
đấu thì Gôya vẫn còn bám chặt lấy lưng ghế ngồi, dán mắt nhìn vào nàng
gần như nín thở. Anh hớp uống chút không khí lạnh để tự trấn tĩnh và lục
lại trong ký ức tất cả những chuyện anh đã được nghe thiên hạ đồn đại về
nàng.
Maria Cayettana, Công tước phu nhân Anbơ thứ mười ba đã sinh ra và
lớn lên tại nước Pháp và bị cầm chân giữa kinh thành Pari khi cách mạng
bùng nổ. Người ta kể lại rằng sự sụp đổ của triều đại Buôcbông đã gây cho
nàng một ấn tượng sâu sắc, in vào tình cảm và tư tưởng nàng những nét
không thể phai mờ, ảnh hưởng mạnh đến thế giới quan và nhân sinh quan
của nàng. Suốt thời sống ở Anh sau này, người ta đã gọi nàng là “cô gái
bình dân Tây Ban Nha”.
Nàng không giấu giếm và công khai bày tỏ chính kiến. Người ta truyền
tụng câu chuyện, trong một bữa tiệc tại cung đình, nàng đã tuyên bố với
Hoàng đế Saclơ đệ tứ và Hoàng hậu Maria Luidơ những lời tiên đoán về số
phận đen tối của Đế chế Pháp. Người ta còn nói thêm, nhưng không ai biết
chuyện này có đúng không - rằng nàng đã từng tranh luận, trực tiếp với
Đông Manuen đê Gôđoa, thuyết phục vị Thủ tướng này nới rộng quyền tự
do dân chủ cho nhân dân.