Nhìn theo lưu vực con sông có thể thấy các làng bản nối tiếp nhau kéo dài
từ bờ sông đến tận chân núi. Họ sống bằng nghề cày cấy và chăn nuôi gia
súc. Mỗi bản đều có người đứng đầu với những cấp bậc khác nhau. Người
trưởng bản cai quản cả bản, nhà Thổ ti chúng tôi cai quản trưởng bản,
trưởng bản cai quản dân đen. Đó là giai tầng của một cộng đồng người. Đó
cũng là người của một loại xương cốt. Người của giai tầng ấy có thể lên
cao, thay đổi, khiến cho xương cốt của mình vì giòng máu quý tộc tràn đầy
mà trở nên quan trọng hơn. Nhưng khả năng lớn nhất là tụt xuống, một khi
tụt xuống thì khó lòng gượng dậy nổi. Vì Thổ ti thích người dân tự do biến
thành nông nô mất tự do. Nông nô là gia súc, có thể bán mua, có thể sai
khiến tuỳ ý. Hơn nữa, để biến một người tự do thành nông nô thật vô cùng
đơn giản, chỉ cần định ra những luật lệ cấm kỵ đối với những việc con
người dễ phạm sai lầm nhất. Điều này còn dễ dàng hơn việc đặt bẫy của
người thợ săn có kinh nghiệm.
Mẹ của Trạch Lang là người như thế.
Bà vốn là con gái một dân thường, vậy bà phải là một người dân thường
được tự do. Làm một người dân thường, Thổ ti muốn sai bảo phải thông
qua trưởng bản. Nhưng bà có con trước khi cưới, bà phạm vào luật có con
riêng để rồi bản thân và đứa con trở thành nô lệ nhà Thổ ti.
Sau này có người viết sách nói Thổ ti không có luật pháp. Đúng vậy, chúng
tôi không viết những điều ấy ra giấy, nhưng nó là luật lệ, không cần viết ra
cũng thành điều khắc cốt ghi tâm.Thậm chí nó còn hiệu lực hơn khối cái
ngày nay viết ra giấy.Tôi hỏi: chẳng phải thế hay sao? Một tiếng nói khẳng
định từ một nơi rất xa vọng lại, tiếng nói rất long trọng: đúng vậy, đúng
vậy!
Tóm lại, những quy định thời xưa của chúng tôi chỉ có thể làm con người đi
xuống chứ không thể đi lên. Người có xương cốt cao quý là những nhà
nghệ thuật đặt ra những quy định đó.
Xương cốt chia con người thành cao thấp.
Thổ ti.
Dưới Thổ ti là trưởng bản.
Trưởng bản cai quản dân đen.