Mà đây là cảnh tượng của tám mươi phần trăm dân Việt Nam. Đối với
số đông khốn cùng ấy, tìm phương cứu vớt họ là một vấn đề to tát, cần phải
giải quyết ngay.
Là vì họ đợi đã lâu lắm rồi. Một ngày tới là sự khốn khổ của họ tăng
lên một ngày. Nói vậy, không phải là bảo từ xưa đến nay, nhà đương cuộc để
mặc cho giòng nước chảy xuôi, cho dân quê đi mãi vào con đường thất
vọng. Họ đã có công tiễu trừ giặc giã, tìm cách di dân và đặt nông phố ngân
hàng. Nhưng nhà đương cuộc chỉ giải quyết một vài điều khẩn cấp, nên kết
quả vẫn không có gì. Muốn thành thực đưa dân quê đến một đời đáng sống
hơn, những phương pháp nhất thời không đủ, cần phải giải quyết vấn đề sinh
hoạt dân quê về đủ mọi phương diện.
Có người bảo « chính trị đã ! » Thí dụ như bọn ông Phạm lê Bổng.
Theo báo « Xứ sở Annam », thì đất Bắc chẳng hạn, chỉ có việc bỏ cái chế độ
nửa trực trị, nửa bảo hộ hiện giờ, đem chế độ bảo hộ thay vào là công việc
xong xuôi cả.
Đó là một lỗi giải quyết dễ dàng quá, không thể thương được. Nếu đặt
lại nha kinh lược, mà dân quê tự nhiên biến ra sung-sướng, giầu có, thì mỗi
làng ta cũng nên đặt một nha… Nhưng nếu thế thật thì nha Kinh-lược đã
không đến nỗi hóa ra sở sen đầm.
Lại có người bảo : « Kinh tế đã ! » Hãy làm cho nghề nông được thịnh
vượng ; hãy tìm cách dân quê sản xuất được nhiều lúa, nhiều ngô, bán được
nhiều lãi đã, rồi đến khi họ dư dật mới mở mang trí thức họ.
Phương pháp ấy nói thì dễ, nhưng làm thì rất khó. Làm sao cho dân sản
xuất được nhiều, nếu họ không biết khoa học ? Làm sao cho họ bán được
nhiều lãi nếu họ không có tài lực, có cơ quan để tự bênh vực lấy mình, làm
sao cho họ trở-nên giàu có, nếu họ không được yên ổn hưởng lấy lợi tức của
họ ?
Thật vấn đề dân quê là một vấn đề phức tạp, không thể đứng riêng về
mặt chính trị, mặt kinh tế hay mặt xã-hội mà giải quyết xong.