PHƯƠNG DIỆN HÀNH-CHÍNH VÀ CHÍNH-TRỊ
I. QUAN TRƯỜNG
ĐÃ nói đến dân quê, không thể nào không nói đến một giai cấp có can
hệ mật thiết đến sự sinh hoạt nơi thôn dã : quan-trường.
Ngày xưa, hồi đạo Khổng toàn thịnh, làm quan, không phải chỉ là để
làm ấm cho thân, danh giá cho nhà, cho họ. Làm quan, còn là đem tài lực
phụng sự một lý tưởng : dìu dắt dân ngu lên con đường đạo lý của thánh
hiền. Làm quan, còn mong làm cha mẹ dân.
Tuy nhiên, lý tưởng ấy xây móng trên một điều sai lầm lớn. Các cụ
ngày xưa quá tin vào sự nhiệm mầu của đạo Khổng. Họ tưởng rằng lầu
thuộc tứ thư, ngũ kinh, học hết mấy pho sử làm được câu thơ, bài phú, là đủ
có đức hạnh để dạy dỗ dân, đủ tài kinh luân để đưa dân đến cõi hạnh phúc.
Họ tưởng rằng đã là sĩ phu, thì là một người hoàn toàn, một đấng thánh hiền,
nên họ mới phó thác cho trách nhiệm quá nặng, quyền hành quá to. Nhưng,
sự thực, sĩ phu vẫn chỉ là một người, một người với hết thẩy dục vọng, hết
thẩy sự kém hèn của người đời. Sĩ phu tài đức vẹn toàn, chỉ là một số rất ít,
một số không đáng kể.
Một điều sai lầm khác. Các cụ đem quyền làm cha mẹ giao cho quan
lại, tức là coi dân như một đàn con trẻ thơ ấu, cần có người hướng dẫn. Cái
tư tưởng ấy, đối với một dân mọi rợ, mới phôi thai, có lẽ có ý nghĩa, nhưng
đối với một dân tộc sẵn một ký vãng vẻ vang, thì thật là một điều vô lý, một
sự trở ngại cho cuộc tiến hóa của dân tộc ấy. Là vì những phần tử của một
dân tộc như thế, hẳn phải đủ sức tự luyện lấy một tinh thần độc lập, cương
cường để phát triển bản năng của mình.
Những điều sai lầm ấy là nguyên nhân của các mối lệ hiện có trong
quan trường. Vì chính những điều ấy đã khiến người ta trao quyền hành quá
lớn cho một bộ phận không có bộ phận nào khác kiểm soát công việc.