Những quyền hành quá lớn ấy, từ xưa đến nay, quan trường vẫn nắm
trong tay, tuy rằng cuộc sinh hoạt của dân chúng đã đổi thay nhiều lắm. Một
ông quan, một ông huyện chẳng hạn, không biết rằng chức phận mình là
phải làm những gì nữa. Trong hạt mình, ông huyện phải chịu hết trách
nhiệm phải làm đủ mọi việc. Ông ta là một ông quan tòa lúc xử việc kiện
tụng, một ông cẩm lúc coi sóc đến việc trị an, một viên chức sở lục lộ lúc
đốc thúc dân hộ đê, một viên chức nhà đoan lúc khám rượu lậu, một ông
biện lý và một ông dự thẩm lúc bắt đầu khám phá một vụ hình án, một viên
chức sở kho bạc lúc thu tiền thuế… đó là không kể công việc cai trị là công
việc chính của ông ta.
Bấy nhiêu nhiệm vụ hỗn độn, lẫn lộn là một điều khó khăn cho ông
quan, mà cũng là cái mầm cho sự lạm quyền. Và đối với những ông quan
không theo đuổi một lý tưởng gì cao siêu, đó lại là một cái mầm cho sự ăn
tiền.
Ăn tiền ! Ăn tiền là một tệ đoan hiện đương tác hại ở thôn quê. Tệ đoan
ấy, không thể nào chối được, vì nó hiển nhiên lắm. Cả đến báo Xứ sở là một
tờ báo lúc nào cũng lăm lăm bênh vực quan trường, cũng phải thú thật rằng
ngạch quan lại có nhiều cái « hư, nát ». Cả đến hội ái hữu quan lại cũng có
lần hô hào « chấn chỉnh quan trường ». Nếu quan trường là một bộ phận
đáng quý, đáng kính của nước, thì can gì phải tìm phương chấn chỉnh ! Từ
độ ấy đến nay, có ngoài 15 năm trời, sự chấn chỉnh ấy không thấy ai đả động
đến nữa. Không còn thấy ai theo gót ông Phạm Quỳnh ngày xưa đem cái
thuyết « quan là dân chi công bộc » thay vào cái thuyết « quan là dân chi
phụ mẫu ».
Là vì sự « chấn chỉnh » ấy không ra khỏi vòng thuyết lý suông. Và là vì
sự quan trọng không phải ở đấy : đem chữ công-bộc thay vào chữ phụ-mẫu
ông quan cũng vẫn là ông quan.
Ông quan, nghĩa là một viên chức có quá nhiều nhiệm vụ, có quá nhiều
quyền hành. Như vậy, muốn sự cất cách hay sự « chấn chỉnh » cho đến nơi
đến chốn, điều cần nhất là phân tách những nhiệm vụ ấy, đem công việc của
sở lục lộ giao trả lại sở lục lộ, công việc của nhà đoan trả lại nhà đoan, công