khánh kiệt, họ trở nên những người cùng đinh đói, rách, sống cầm hơi để
làm tròn bổn phận trâu ngựa cho bọn nhà giàu cho vay đã hà hiếp họ.
Số người như vậy rất nhiều, đến hàng triệu. Vấn đề cho vay nặng lãi vì
thế là một vấn đề quan trọng, cần phải giải quyết.
Chính phủ Bình dân Pháp đã không quên để tâm đến vấn đề ấy. Một
đạo chỉ dụ của ông Tổng thống Lebrun ngày 2 tháng 12 năm 1936 về việc
cho vay nặng lãi đã đem tuyên hành.
Theo đạo chỉ dụ ấy, những người nào cho vay lãi quá tám phân một
năm (một năm chứ không phải một tháng) sẽ bị phạt từ một trăm quan đến
5000 quan. Nếu bị phạt rồi còn tái phạm, một thói thường của bọn sét ty ở
thôn quê, sẽ bị phạt tù từ 6 ngày đến 6 tháng và phạt tiền từ 500 đến 5000
quan. Còn tiền lãi đã trả sẽ đem đập vào lãi quốc lệ và vốn vay.
Đạo chỉ dụ ấy có một điều mới, đáng để ý, là từ nay, hễ một lần cho
vay lãi quá quốc lệ cũng đủ khép tội rồi. Đó là một sự tiến bộ, vì trước kia
cho vay nặng lãi phải là một thói quen, nghĩa là ít nhất cũng phải hai lần,
mới là phạm pháp.
Nhưng tuyên hành điều luật ấy là một việc hay, song là một việc dễ.
Đem điều luật ấy áp dụng cho có hiệu quả mới là một việc khó.
Bọn nhà giàu cho vay nặng lãi vẫn dễ dàng lừa pháp luật. Họ vẫn bóp
chẹt, vẫn điềm nhiên khai khẩn cái mỏ vàng của họ – tôi muốn chỉ những
người mắc nợ – vì những phương pháp để giấu tội lỗi của họ thật là khó mà
khám phá ra được. Sự tiến bộ tôi vừa nói vì vậy vẫn chưa được hoàn toàn.
Thật ra, vấn đề cho vay nặng lãi này không phải chỉ là một vấn để mà
riêng luật pháp có thể giải quyết được. Nó còn là một vấn đề xã hội nữa.
Ngoài việc đặt luật làm tội chủ vay, còn cần tổ chức những công cuộc che
chở những người thiếu tiền phải đi vay nữa.
Tốt hơn hết là tìm cách đặt ra những nơi cho vay lãi lời phải chăng, nhẹ
nhàng. Các nông phố ngân hàng hiện có chắc cũng theo đuổi mục đích ấy.
Nhưng cần phải khuếch trương công việc những ngân hàng ấy và cần phải
cải cách cho có tính cách bình dân hơn.