PHƯƠNG DIỆN TINH THẦN
I. VẤN ĐỀ GIÁO DỤC DÂN QUÊ
CÔNG cuộc giáo dục dân quê là một công cuộc tối yếu, cần phải làm
ngay, mà có thể làm ngay được.
Ta nên không lúc nào quên rằng về phương diện nào chứ về phương
diện giáo dục, dân ta ngày xưa, lúc lá cờ ba sắc chưa tới đất Đông Dương,
còn tốt phúc hơn bây giờ. Đâu đâu, từ nơi thành thị cho đến những làng hẻo
lánh, cũng nghe thấy tiếng ngâm thơ, phú của các ông đồ. Dân quê ai cũng
có thể đọc nổi lá đơn, xem nôm được truyện Kiều, học được ít nhiều tư
tưởng của cố nhân. Dần dà chữ nho bỏ, để chỗ lại cho chữ Pháp, chữ quốc
ngữ. Tiếng bình văn trong nếp nhà tranh thưa dần, rồi mất hẳn. Một nền văn
hóa tàn. Tàn nhưng ta không tiếc, vì ta đón lấy một nền văn hóa mới, một
tương lai mà ta mong rạng rỡ.
Nhưng sự mong mỏi chưa thấy kết quả rõ ràng. Chỉ vì giáo dục không
được quảng thông. Trong những nếp nhà tranh ẩn nấp dưới lũy tre xanh,
tiếng học chữ nho không nghe thấy nữa, mà tiếng học chữ quốc ngữ vẫn
thưa thớt có nơi không có. Dân quê đi dần về sự ngu tối. Trước cái tình cảnh
chán ngán ấy, ta không thể ngồi yên được, chúng tôi thiết nghĩ nếu muốn
đem hết sinh lực trong nước làm việc cho dân quê, cần phải cùng một lúc,
theo một chương trình nhất định, thì tìm phương pháp khiến dân quê có cơm
ăn, được hưởng chút học vấn, cơm của linh hồn, và được sống trong những
gian nhà sạch sẽ, hợp vệ sinh.
Riêng về vấn đề giáo dục, ta cần phải xét xem vì đâu dân quê dần dần
trở nên ít học. Có người bảo vì họ nghèo. Kể ra thì có con cho đi học thật là
tốn. Nhưng dân Annam vốn hiếu học, dẫu không đủ ăn cũng cố công nuôi
con thành người. Vả ngày xưa dân quê cũng vẫn nghèo, mà số người biết
chữ lại khá hơn bây giờ.
Thực ra, nguyên nhân rất phức tạp. Vì nghèo khổ quá, cũng có. Vì
những nghị định bó buộc việc lập trường tư cũng có. Vì dân quê không nhìn