những xưởng khổng lồ bên các nước Âu Mỹ.
Đi quan sát một làng, tức là quan sát cả thôn quê Annam rồi vậy : đây,
những lũy tre xanh cao vót, ngăn cản hết gió mát ở cánh đồng lại ; kia,
những ao chuôm nước đen màu bùn là nơi tắm gội, rửa ráy, giặt rịa của thôn
dân, rải rác trong những mẫu vườn con, đầy rác, là những mái nhà tranh lụp
xụp ; ẩm thấp, bên cạnh những chuồng lợn hôi hám : thỉnh thoảng, lại nổi
bật lên màu đỏ sẫm của một vài mái nhà ngói.
Nhưng nếu ta bước chân vào những ngôi nhà ngói ấy, ta sẽ lại thất vọng
chán nản hơn là bước vào gian nhà tranh. Một thứ mùi hôi mốc xông lên,
chẹn lấy cổ, một thứ không khí lạnh, ẩm bao bọc lấy người, khiến ta nghĩ
đến những cái hầm đào sâu dưới đất. Những buồng ở thì bé nhỏ như một cái
hang, tối om và thấp lè tè : sống trong ấy, hẳn là có cái cảm tưởng sống ở
trong một gian ngục. Thà rằng nằm trong gian nhà tranh còn hơn !
Song đến gian nhà tranh, ta cũng không thấy hơn. Những buồng ở cũng
tối om như một cái hang, nếu không trống trải như một cái quán : những
gian nhà như vậy, mùa đông gió lùa vào chắc là lạnh cắt ruột, còn mùa hè
trái lại ánh mặt trời sẽ hùa nóng vào một cách quá dễ dàng.
Một điều nữa đáng để ý, là dẫu là mái nhà tranh lụp xụp hay là mái nhà
ngói nghênh ngang, cách bày biện ở trong cũng luộm thuộm như nhau. Ta
thường chê người Mán, người Mường nằm nhà sàn, ngay trên chỗ nuôi súc
vật. Vậy nhìn về thôn quê, ta cũng phải lấy làm tự thẹn : chỗ ăn nằm của dân
quê cũng là nơi để lọ tương, lọ mắm, cũng một trăm thứ vặt vãnh bẩn thỉu
khác. Hơn nữa từ gian nhà khách cho đến gian nhà bếp, đồ đạc để ngổn
ngang, không có một chút gì là thứ tự, ngăn nắp, không có điều gì là hợp vệ
sinh.
Hoặc có người bảo : dân quê lo sống cũng chưa xong, nữa là nghĩ đến
chỗ ở. Nghĩ như thế là lầm. Dân quê ở bên Nhật, tình cảnh sinh hoạt cũng
khó khăn như ở bên ta, mà họ vẫn cố sức tô điểm nơi ăn chốn nằm của họ
cho có vẻ ngăn nắp sạch sẽ, nhiều khi lại có vẻ mỹ thuật nữa. Trái lại, bên
Tàu, những nhà giầu có chăng nữa nhà cửa cũng vẫn bẩn thỉu, hôi hám. Xem