BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 114

hóa, là chiếc búa thần đập tan đối tượng chủ yếu của vọng niệm. Đối tượng đã đổ vỡ
thì vọng niệm còn nương đâu phát sanh. Thế là, nhờ trí tuệ Bát-nhã thấy ngã pháp như
huyễn hóa, hành giả đạt đến tâm thể chân thật không huyễn hóa.

BI TRÍ TRÒN ĐỦ

Trí tuệ khai phát, hành giả tháo gỡ lần những mối rối bòng bong trong tâm tư.

Đến khi mọi việc suôn sẻ, trí giác tròn sáng là xong phần tự giác. Phần giác tha do tâm
từ bi thúc đẩy, đến lúc viên mãn thì công phu hành giả mới được tròn đủ. Khi thực
hiện giác tha, hành giả phải chuẩn bị thế nào? Tâm từ bi là ban vui cứu khổ. Chúng
sanh có nhiều loại khổ, không ngoài hai thứ, khổ về vật chất, khổ về tinh thần. Khổ về
vật chất tuy cấp bách song không trầm kha miên viễn bằng khổ về tinh thần. Thể hiện
lòng từ bi bằng hành động bố thí, trong ba thứ bố thí, tài thí là đứng đầu. Vì thích ứng
với nhu cầu cấp bách vật chất, nên phải thực hiện tài thí trước. Người đang đói rét mà
mời đi nghe pháp là việc làm của kẻ dại khờ. Trước nhất, chúng ta phải cho họ có cơm
ăn, cả áo mặc, sau mới hướng dẫn về đạo lý thâm sâu. Do đó, pháp thí Phật đặt sau tài
thí. Phật tử muốn cứu người thoát khỏi cái khổ trầm kha, miên viễn của tinh thần,
trước phải lo giúp đỡ người giảm bớt cái khổ về vật chất. Vì thế, tuy thấy thân như
huyễn hóa, các pháp như huyễn hóa, chúng ta vẫn phải cần cù lao động làm ra nhiều
tài sản của cải để giúp những người cần giúp, nhiên hậu mới đem chánh pháp hướng
dẫn giáo hóa họ. Thấy thân như huyễn, các pháp như huyễn, để rồi nhìn cảnh ngắm
trăng nhịp đùi ngâm thơ, là người không có lòng từ bi, không hiểu thấu ý nghĩa Phật
dạy. Hoặc gặp ai cũng cố gắng khai mở trí Bát-nhã cho họ, mà không đếm xỉa gì bản
thân người đang no hay đói, là kẻ thuyết pháp chẳng hợp thời cơ. Vì muốn cứu cái khổ
trầm kha miên viễn tinh thần của mọi người, chúng ta phải cố gắng nỗ lực cứu cái khổ
cấp bách vật chất cho họ trước đã. Được vậy, sự tự giác giác tha, chúng ta mới tròn đủ.
Tự giác là trí, giác tha là bi, đạo Phật chủ yếu đưa người đến giác ngộ, nên bi trí đều
cùng một chữ giác.

KẺ SI MÊ NGƯỜI TRÍ TUỆ CAN ĐẢM HY SINH

Kẻ si mê can đảm hy sinh không ngoài ba yếu tố chính là tham lam, sân hận, si

mê. Vì tham danh, tham lợi, tham sắc..., họ can đảm hy sinh, vì đam mê không mãn ý,
họ can đảm hy sinh, vì nóng giận hận thù, họ can đảm hy sinh. Sự can đảm hy sinh của
họ do động lực bên ngoài thúc đẩy. Họ can đảm trong cái sợ sệt, hy sinh trong cái liều
lĩnh. Người đời muốn lợi dụng lòng can đảm, hy sinh của họ, bèn cám dỗ bằng danh
lợi, kích động bằng hận thù, xây dựng bằng lý tưởng. Bởi không tự chủ được, họ phải
làm theo cái gì mà người khác muốn họ làm. Cuộc sống của họ xem ra rất ngang dọc
anh hùng, song là cái anh hùng của người khác tạo nên. Họ hy sinh trong cái tự cao,
ngã mạn, hoặc trong nhắm mắt đánh liều.

Người trí tuệ can đảm hy sinh do nhận chân lẽ thật, vì lòng từ bi cứu khổ chúng

sanh. Khi thấy rõ thân này duyên hợp như huyễn, chúng sanh không biết chấp là thật,
gặp cảnh khổ liền kinh hoàng, hoảng sợ. Người trí tuệ thấy thế dám hy sinh thân mình
để đem sự an vui cho người. Đôi mắt trí tuệ với lòng từ bi, người trí tuệ can đảm hy
sinh giúp người, cứu vật, không do động lực nào khác thúc đẩy. Nói can đảm hy sinh,
mà thật không có gì đáng hy sinh. Bởi thấy thân như huyễn hóa, sự còn mất có đáng
gì, gọi là hy sinh. Cho nên, hy sinh cho mọi người, vẫn không thấy có mình hy sinh,

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.