BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 37

cái nào là chủ của cái nhà, cái nhà là giả tướng của nhiều duyên hợp lại. Nếu chúng ta
chỉ cây cột cũng không phải cái nhà, cây kèo cũng không phải cái nhà, cho đến tất cả
không có cái nào là cái nhà, đủ những thứ đó hợp lại tạm gọi là cái nhà. Cái nhà ấy là
một giả tướng do duyên hợp, thân này cũng thế. Mọi sự duyên hợp đều hư giả, chúng
ta tìm đâu cho ra lẽ thật của thân này. Trên cái không thật mà lầm chấp cho là thật quả
thật si mê. Thấy rõ thân này duyên hợp không thật là trí tuệ. Thấy thân này không thật
rồi, còn gì tham lam nhiễm trước nơi thân. Đối với thân không tham nhiễm thì mọi nhu
cầu của nó còn có nghĩa lý gì. Thấy thân đúng lẽ thật thì si mê tan tành tham sân cũng
theo đó biến hoại.

Đến như suy tư nghĩ tưởng thương ghét... trong tâm đều do sáu căn tiếp xúc với

sáu trần mà phát sanh. Bản thân của những tâm lý ấy không tự có, do căn trần thức hòa
hợp mà sanh. Đã do duyên hợp thì không thật thể, cái không thật mà cố chấp là thật
thật quá si mê. Dùng trí tuệ soi thấu những tâm tư theo duyên thay đổi đều là hư giả,
chúng ta đã đập tan được cái si mê chấp ngã nơi nội tâm con người. Biết rõ bao nhiêu
thứ suy nghĩ tưởng tượng đều là ảo ảnh, còn gì chấp chặt cái nghĩ mình là đúng, cái
tưởng mình là thật nữa. Do đó, chúng ta buông xả mọi vọng tưởng giả dối, sống một
đời an lành trong cái bình lặng của tâm tư.

IV.- KẾT LUẬN

Tam độc là cội nguồn đau khổ của chúng sanh, trừ diệt được nó chúng sanh sẽ

hưởng một đời an vui hạnh phúc. Khổ vui vốn do chứa chấp tam độc hay tống khứ
chúng đi, đây là căn bản của sự tu hành. Ba thứ độc này, si là chủ chốt. Diệt được si thì
hai thứ kia tự hoại. Nhắm thẳng vào gốc mà đốn thì thân và cành đồng thời ngã theo.
Vì thế, trong mười hai nhân duyên cái đầu là vô minh, muốn cắt đứt vòng xúc xích
luân hồi của nhân duyên, chỉ nhắm thẳng vô minh, vô minh diệt thì hành diệt v.v... Si
độc là động cơ chính yếu của tam độc, chận đứng được si thì toàn thể tam độc đều
dừng. Đức Phật thấy được cội gốc của đau khổ và đầu nguồn của thoát khổ, nên Ngài
dạy Phật tử cứ ngay cái gốc ấy mà trừ, người ứng dụng đúng như thế sẽ ít tốn công mà
kết quả viên mãn. Si là gốc đau khổ, cũng như vô minh là gốc luân hồi, vì diệt tận gốc
ấy, đức Phật dạy dùng cây búa Trí Tuệ đập tan nó, hoặc thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ
phá tan màn đêm vô minh. Bởi lẽ ấy, đạo Phật là đạo giác ngộ, chỉ có giác ngộ mới
diệt tận cội rễ si mê, chỉ có mặt trời giác ngộ xuất hiện thì đêm tối vô minh mới hoàn
toàn hết sạch. Diệt được tam độc của mình là tự cứu bản thân, cũng đã đem sự an ổn
lại cho mọi người chung quanh. Một việc làm tự lợi lợi tha đầy đủ, tất cả Phật tử chúng
ta phải tận lực cố gắng thực hiện kỳ được mới thôi. Được vậy mới xứng đáng là người
Phật tử chân chánh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.