BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 52

NGHIỆP BÁO

I.- MỞ ĐỀ

Mọi việc khổ vui trong kiếp hiện tại của chúng ta đều do nghiệp quá khứ và

hiện tại chi phối. Nghiệp lành thì được vui, nghiệp ác thì chịu khổ, chúng ta chỉ biết sợ
khổ, cầu vui mà không biết tránh nghiệp ác, tạo nghiệp lành. Thế chẳng khác nào kẻ sợ
bóng mà cứ đứng ngoài trời nắng, muốn nghe nhạc mà bịt lỗ tai. Một khi nghiệp quả
đến, chúng ta dù muốn dù không, tất nhiên cũng phải chịu. Bởi nó là kết quả do hành
động của chính mình đã tạo. Mình làm, rồi mình chịu, đó là lẽ công bằng hợp lý của
kiếp người.

II.- ĐỊNH NGHĨA

Nghiệp báo nói đủ là nghiệp quả báo ứng. Bởi vì nghiệp nhân chúng ta đã gây
thì nghiệp quả phải đến. Sự báo đáp thù ứng cân xứng nhau giữa nghiệp nhân và
nghiệp quả. Trước tiên chúng ta cần biết chữ nghiệp.

a) Nghiệp:

là dịch nghĩa chữ Karma tiếng Phạn, chỉ hành động tạo tác theo thói

quen của mỗi người. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, định nghiệp, bất định nghiệp...
Nghiệp thiện là hành động lành đem lại sự an lạc cho chúng sanh. Nghiệp ác là hành
động dữ làm đau khổ chúng sanh. Định nghiệp là hành động hoặc lành hoặc dữ có
cộng tác với ý thức tạo thành nghiệp quyết định. Bất định nghiệp là hành động hoặc
lành hoặc dữ không cộng tác với ý thức nên thành nghiệp không quyết định.

b) Báo:

là đền trả một cách công bằng, không sai chạy, không tiêu mất. Chúng

ta có hành động lành hay dữ, kết quả của hành động ấy sẽ đến, hoặc sớm hay muộn
thôi. Thí dụ chúng ta mắng chửi người là hành động dữ, người ấy sẽ mắng chửi lại
ngay khi đó, hoặc thời gian khác, khó tránh khỏi. Sự thù đáp cân xứng gọi là báo. Báo
có chia ba thứ: hiện báo, sanh báo và hậu báo. Hiện báo là quả báo hiện tại, những
hành động lành hay dữ ngay trong đời này chịu quả báo. Sanh báo là quả báo đời sau,
hành động tốt xấu của ba nghiệp, đến đời sau mới chịu quả báo. Hậu báo là về sau lâu
xa mới chịu quả báo. Ví như vào đầu mùa mưa, chúng ta đồng thời gieo trồng hạt đậu
phộng, trồng cây chuối, trồng cây mít. Đến ba tháng sau, chúng ta được kết quả có đậu
phộng. Sang năm, chúng ta mới kết quả có chuối. Song ba bốn năm sau, chúng ta mới
được kết quả có mít. Như thế, hành động đồng thời mà kết quả sai biệt, tùy loại khác
nhau. Nếu chúng ta đòi hỏi ba thứ phải kết quả đồng thời là ngu xuẩn.

III.- TỪ ĐÂU TẠO THÀNH NGHIỆP ?

Nghiệp từ thân, miệng, ý chúng ta tạo nên. Bởi thân miệng ý chúng ta làm lành,
nói lành, nghĩ lành nên tạo thành nghiệp lành. Thân miệng ý chúng ta làm dữ, nói dữ,
nghĩ dữ tạo thành nghiệp dữ. Thế nên, chúng ta chủ nhân tạo nghiệp cũng chính chúng
ta là chủ nhân thọ báo. Ngang đây chúng ta hãnh diện đã thoát khỏi mọi quyền lực
thiêng liêng ban họa xuống phước. Chúng ta cũng hiên ngang thọ nhận tất cả quả khổ
vui, mà không có một lời oán hờn than trách. Chúng ta khôn ngoan biết chọn lựa
nghiệp nhân nào mình thích mà làm, không còn mù quáng làm càn bướng. Đây là sự
trưởng thành, khi rõ nghiệp từ đâu có.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.