BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT - Trang 60

Cũng đứng trên lý duyên sanh, song Bồ-tát không dừng lại ở chỗ thân này do

năm uẩn kết hợp là vô ngã, mà còn thấy năm uẩn tánh không. Bởi vì thân này là giả
tướng do năm uẩn kết hợp, chính năm uẩn cũng là giả tướng của cái khác kết hợp và
có cái khác cũng là giả tướng của cái khác nữa kết hợp... Tột cùng tất cả các pháp đều
là duyên hợp không có chủ thể, là tánh không. Bởi tánh không do duyên hợp nên giả
có. Vì cái có ấy là tướng duyên hợp, nên giả dối tạm bợ như huyễn hóa. Giả có nên
chẳng phải không, có một cách tạm bợ nên không phải thật có. Thế là không mắc kẹt ở
hai bên chấp không và chấp có. Đạt tột lý duyên khởi tánh không, Bồ-tát nhìn sự vật
như chính bản thân mình, chỉ có giả danh mà không có thực thể. Bởi không có thực
thể, nên các pháp thấy như bọt, bóng, huyễn hóa. Duyên hợp thì các pháp có, duyên
tan thì các pháp không. Sự có không ấy chẳng qua là tướng của duyên thôi. Thế nên,
Bồ-tát thấy thân như huyễn, ngay khi sanh mà biết vô sanh.

b/ Tu pháp lục độ

Lục độ là sáu pháp: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.

Sáu pháp này tu được cứu kính gọi là Lục Ba-la-mật. Bồ-tát do thấy các pháp như
huyễn nên tu bố thí được cứu kính. Bố thí có chia: Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí. Tài thí
lại có ngoại tài, nội tài. Bồ-tát dùng của cải để cứu giúp người đói khổ là bố thí ngoại
tài. Có khi cần đến sức lực, hoặc thân phần của mình để cứu giúp người, Bồ-tát sẵn
sàng làm là bố thí nội tài. Song phần tài thí chỉ là phương tiện đầu để thu nhiếp cảm
tình của người rồi sang pháp thí. Pháp thí là đem chánh pháp chỉ dạy cho người được
tỉnh giác. Giáo hóa cho người được giác ngộ là phần giác tha của Bồ-tát. Vô úy thí là
dùng phương tiện giúp người qua cơn kinh sợ hãi hùng. Trong mọi hoàn cảnh khủng
khiếp của Bồ-tát đều dùng mọi phương tiện để an ủi cho người khỏi sợ. Song cái sợ to
lớn nhất là biển khổ sanh tử, Bồ-tát thường chèo thuyền Bát-nhã cứu người qua khỏi
biển khổ là vô úy thí. Đã thấy các pháp như huyễn, nên Bồ-tát không khước từ những
điều khó bố thí. Vì thế Bố thí được ba-la-mật.
Trì

giới là gìn giữ giới pháp của Phật răn cấm. Trong giới Bồ-tát có mười giới

trọng và bốn mươi tám giới khinh, từ kinh Phạm Võng. Hoặc Tam tụ tịnh giới của
hàng Bồ-tát. Đây là ba nhóm giới thanh tịnh Bồ-tát phải thực hành. Một là Nhiếp luật
nghi giới, những pháp nên lìa Bồ-tát hằng lìa. Hai là Nhiếp thiện pháp giới, những
pháp nên chứng, Bồ-tát đều tu chứng. Ba là Nhiêu ích hữu tình giới, Bồ-tát thường làm
lợi ích chúng sanh. Những giới pháp này tu hành đến cứu kính viên mãn gọi là Giới
ba-la-mật. Chính vì thấy các pháp duyên khởi như huyễn nên Bồ-tát hay làm được việc
khó làm.
Nhẫn nhục là sức cam chịu mọi hoàn cảnh khổ đau bức bách tủi nhục đến với tự
thân. Chúng ta chiến thắng mọi sự thúc giục bức bách của bản thân tạo ra và chiến
thắng những gì khổ đau tủi nhục từ bên ngoài đưa đến. Cho đến những điều oan trái
không đâu, hoặc cực kỳ vô lý, chúng ta cũng nhẫn chịu được. Có khi phải trả giá rất
đắt về danh dự, về thân thể, mà vẫn cam chịu để tròn hạnh nhẫn nhục. Cho nên nhẫn
nhục khi đến cứu kính là một sức hùng dũng phi thường, vì đã chiến thắng hoàn toàn
bản tánh ái ngã và bảo vệ ngã. Được thế mới gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật.
Tinh

tấn là cố gắng nỗ lực. Dốc hết khả năng để chiến thắng mình, để chóng

thành đạo quả, là tinh tấn trong phần tự lợi. Dốc hết khả năng để cứu giúp người, để
giáo hóa cho họ giác ngộ, là phần lợi tha. Ở hai bình diện tự lợi lợi tha, Bồ-tát lúc nào
cũng nỗ lực một cách tột cùng, gọi là Tinh tấn ba-la-mật. Bởi Bồ-tát thấy đem thân
như huyễn độ hữu tình như huyễn, nên không bao giờ biết mỏi mệt và chán ngán.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.