Thiền định, “thiền” nguyên từ chữ Phạn Dhyàra (Thiền Na), Trung Hoa dịch là
Tĩnh lự. Có nghĩa là do gá tâm một cảnh khiến những tâm lự lăng xăng được lặng yên.
Song Thiền định trong nhà Phật cũng có nhiều lối, hoặc quán thân tâm này vô chủ để
ngộ ngã không hoặc quán năm uẩn tánh không để ngộpháp không, hoặc tâm không
chấp cảnh khiến tâm cảnh nhất như. Bởi dừng được vọng tâm nên gọi là tĩnh lự. Thiền
định đến tâm cảnh nhất như là Thiền ba-la-mật.
Trí
tuệ là trí vô sư được hiển lộ viên mãn. Bởi mây mờ vọng lự dứt sạch, nên
mặt trời trí tuệ vô sư chiếu sáng rực rỡ. Trí tuệ này là do công phu tu thiền định mà
phát xuất, chớ không phải do học tập mà được. Cho nên khi trí thể này hiện bày thì vô
minh phiền não hoàn toàn tiêu sạch. Thế là đầy đủ trí vô lậu thoát ly sanh tử luân hồi.
Đây là Trí tuệ ba-la-mật.
Lục độ có nghĩa là do tu sáu pháp này đưa qua biển khổ sanh tử. Lại có nghĩa tu
mỗi pháp qua mỗi cái dở: tu Bố thí độ bỏn sẻn, tu Trì giới độ phá giới, tu Nhẫn nhục
độ nóng giận, tu Tinh tấn độ lười biếng, tu Thiền định độ tán loạn, tu Trí tuệ độ ngu si.
Tóm
lại, Ngũ thừa Phật giáo là phương tiện hướng chúng sanh tiến lên, tùy căn
cơ và sở nguyện mà sự tiến lên ấy có cao thấp khác nhau. Đã là phương tiện thì chưa
phải mục đích chánh yếu của đức Phật muốn dạy. Nếu nhằm chỗ mục đích chánh của
Phật thì chỉ giáo hóa chúng sanh đều được thành Phật. Tuy nhiên lòng từ bi của đức
Phật là như thế, song trình độ căn cơ của chúng sanh thì chẳng đồng. Buộc lòng đức
Phật phải mở rộng Ngũ thừa hoặc Tam thừa mà giáo hóa chúng sanh. Nếu chúng ta
ứng dụng tu hành một thừa trong năm thừa, mà tâm niệm vẫn biết rõ rằng đây là
phương tiện để tiến lên, chớ không phải chỗ an trụ vĩnh cửu, là không có lỗi lầm.
Ngược lại, chúng ta tu theo thừa nào chấp chặt vào đó, không chịu phát tâm hướng
thượng, ấy là những kẻ rơi trong Hóa thành. Chúng ta là người cầu Phật đạo, phải tu
đến bao giờ viên mãn Phật đạo mới được dừng nghỉ. Đây là mục đích tối thượng của
người Phật tử chúng ta.