Bức thư yêu sách cao thượng và xứng đáng này đã tìm thấy dán
trên một cây to gần Gò Công. Nó là bức thư của một trí thức nông
thôn; nó diễn đạt đúng tinh thần của dân chúng; dân chúng chẳng
hề tị hiềm gì. Chỉ muốn đấu tranh cho được sống trong độc lập.
Không một người dân nào, dù là nông dân hay quan lại, chấp
nhận chế độ thuộc địa trên non sông đất nước mình, chấp nhận
cái tình thế mà người Pháp dùng sức mạnh áp đặt cho họ.
CÁC GIÁO SĨ
Chúng tôi vừa phác họa qua loa những nét lớn về tình trạng tinh
thần và những phản ứng sau Hiệp ước 1862 của ba thành viên tham
gia vào cuộc viễn chinh và vào hiệp ước: Pháp, Tây Ban Nha và Việt
Nam.
Còn có một thành viên thứ tư, ít nhất cũng quan trọng ngang với
ba thành viên kia, mà chúng ta không thể bỏ quên trong bóng tối.
Duyên cớ của cuộc viễn chinh, đó là các giáo sĩ. Trong hiệp ước,
một phần quan trọng của các điều khoản là liên hệ đến các vị giáo
sĩ và đến các tự do tuyệt đối mà họ phải có trong việc truyền bá
Kitô giáo. Trong mỗi một ngày quan trọng, trong mỗi một hành vi
chính trị, và dĩ nhiên mỗi hành động tôn giáo, người ta đều thấy ở
bình diện thứ nhất, hoặc rất tích cực đằng sau sân khấu, là các
giáo sĩ. Họ cho rằng họ phải có mặt ở mọi nơi, họ cần phải nói
tiếng nói của họ mọi nơi, họphải được người ta đặt cho họ lên hàng
đầu ở mọi nơi.
Thực tế là họ có mặt trong mọi chuyện rối ren phức tạp, trong
mọi tình huống căng thẳng giữa nước Pháp với Việt Nam.