Dĩ nhiên là người Việt Nam tìm đủ mọi cách để thu hồi các tỉnh
đã bị Pháp dùng vũ lực chiếm đóng và rất vui lòng được thấy kẻ
thù ra khỏi bờ cõi non sông mình. Nhưng chỉ cần xem xét một chút
về những việc làm và thái độ chánh phủ Việt Nam là có thể vạch
trần được sự vu khống rời rạc của những câu nói vu vơ mơ hồ trên
đây của Giám mục Gauthier.
Từ đầu chiến tranh, ngày 12, 19 và 26 tháng 8 và 30/9/1870,
một tờ báo Anh tại Viễn Đông, tờ “Européen Mail”, có nói đến ý của
Pháp muốn nhượng lại đất Nam kỳ cho Phổ khi hai bên ký hòa ước.
Dù tiếng đồn ấy bắt nguồn từ đâu, dự kiến nhượng đất ấy
vẫn có thực; vào tháng 10/1870, chính Hoàng hậu Eugénie đã lấy sự
việc này làm đầu đề để mở cuộc thương lượng với thủ tướng
Bismarck.
Người ta vẫn nhớ rằng Hoàng hậu Eugénie de Montijo (vợ
Napoléon III) đã đóng một vai trò nhất định trong cuộc viễn chinh
Pháp - Tây Ban Nha tại Nam kỳ. Vốn là người gốc Tây Ban Nha,
quen biết Giám mục Sanjujo, bị tác động với tư cách là một người
Công giáo, bà đã khẩn khoản với Napoléon III yêu cầu Hoàng đế
can thiệp. Vai trò chính trị của bà chỉ giới hạn ở mức đó thôi. Hơn
nữa, bà chẳng qua chỉ là vợ của Hoàng đế và không có quyền bính
gì. Và hình như bà cũng chẳng có khả năng đóng một vai trò nào cả,
bởi vì theo Cornulier-Lucinière, nếu vị Hoàng đế của người Pháp
đã có những biểu hiện “suy sụp về trí tuệ trước tuổi” thì sự sáng
suốt của hoàng hậu cũng chẳng có gì đáng gây cho người ta ảo tưởng.
Dù sao thì, trong thời gian vài ba ngày trải qua, từ lúc Napoléon
III bị sụp đổ, đến lúc chế độ Cộng hòa được tuyên bố thành lập,
Hoàng hậu Eugénie vẫn chính thức được giao quyền nhiếp chính.
Bà bèn cố gắng hoạt động theo cương vị của mình. Một trong những
hoạt động chính, chứng tỏ bà hoàn toàn không có khả năng chính trị,