trình lên triều đình những phương án cách tân và hiện đại hóa đất
nước đáng chú ý.
Năm 1866, Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình phân lập
quyền hành chánh với quyền tư pháp, đưa vào chương trình giáo
dục những môn khoa học chính xác, gửi sinh viên đi du học nước
ngoài, thăm dò và khai thác mỏ, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển
công nghiệp và thương mại, tổ chức lại quân đội, xây dựng đường bộ
và đường sắt. Để có kinh phí, ông dự trù cải cách nền tài chánh
quốc gia, dựa trên cơ sở chế độ bảo vệ và chế độ tư pháp hải quan.
Là một người Công giáo, sinh tại Nghệ An, Nguyễn Trường Tộ đã theo
Giám mục Gauthier đi Hồng Kông, rồi sang Pháp; năm 1861 ông
về Việt Nam.
Một sĩ phu người Ninh Bình, Đinh Văn Điền, năm 1868, đệ trình
một bản điều trần về vấn đề khai thác mỏ vàng, xây dựng đường
sắt, tuyển dụng các kỹ sư và giáo sư người châu Âu để dạy kỹ thuật
hiện đại. Một sĩ phu khác người Thái Bình, Bùi Viện đề nghị mở cửa
cho việc buôn bán với nước ngoài; ông được vua Tự Đức phái sang
Trung Quốc để đặt quan hệ thương mại.
Nhưng ở triều đình, lại có những người một mực cự tuyệt tất cả
những dự án cải cách đó. Đó là Võ Trọng Bình, Trương Đăng Quế,
Nguyễn Tri Phương và bà Thái hậu.
Điều trở ngại quan trọng nhất, đối với những chủ trương cải
cách chính là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Pháp. Phe
đối lập gần hầu hết là những bề tôi cũ của nhà vua, do bà Thái
hậu chỉ đạo đã tìm trong cuộc chiến tranh này một duyên cớ để gạt
ra khỏi đất nước bất cứ cái gì có thể làm cho đất nước tiếp cận với
“lũ man di phương Tây” ấy. Đó là lý do khiến cho triều đình gạt
phăng đi toàn bộ những cái gì có thể mang đến cho Việt Nam những
lợi ích của nền văn minh châu Âu.