Nguyễn Hiệp, đại sứ Việt Nam tại Xiêm (Thái Lan), cũng từng
nếm mùi thất vọng như vậy. Khi từ Bangkok trở về năm 1879, ông
ta cố phân tích cho triều đình thấy những cái lợi mà nước Xiêm,
do khéo ngoại giao đã rút được cho mình từ cuộc cạnh tranh Anh -
Pháp, nhằm củng cố nền độc lập của Tổ quốc họ; lời trình bày của
ông cũng bị gác ngoài tai. Với Lê Dinh cũng thế; Lê Dinh từ Hồng
Kông về, muốn chỉ cho triều đình Huế thấy những cái lợi mà
Việt Nam có thể thu về, nếu theo gương Nhật Bản và Trung Quốc;
hai nước đó đã mở rộng cửa cho phương Tây nhập vào và trao đổi
buôn bán.
Những trở ngại cho việc hiện đại hóa đất nước càng có cơ hội gia
tăng, do chỗ xã hội nông nghiệp Việt Nam không có một giai cấp tư
sản làm giàu bằng thương mại, được hình thành làm áp lực các giới
lãnh đạo để trao đổi mậu dịch quốc tế và mở cửa đất nước.
Còn về dư luận quần chúng, thì nhân dân và phần lớn các nhà
trí thức, hầu như hoàn toàn chẳng biết gì về những sự kiện xảy ra
bên ngoài biên giới của đất nước. Phương tiện thông tin không có.
Các nước phương Tây, theo con mắt họ chỉ là những “quân man di”
vì họ mang chiến tranh vào Việt Nam.
Đề thi Hội năm 1876 tại Huế: “Sự hiện đại hóa đã mang lại lợi
ích cho Nhật Bản hay không?” đã được hầu hết các thí sinh phân
tích theo chiều hướng tiêu cực, đó là một bằng chứng khá hùng
hồn về trạng thái tinh thần của Việt Nam lúc bấy giờ.
Vì chịu ảnh hưởng quá sâu sắc của nền văn hóa Trung Quốc,
phần đông các sĩ phu và các quan chức triều đình, những kẻ chưa
từng bao giờ bước chân đi ra nước ngoài, hoàn toàn không biết gì về
những tiến bộ kỹ thuật và khoa học đã thực hiện tại các nước châu
Âu. Họ không thể nào quan niệm nổi một nền văn minh khác với
nền văn minh của thế giới Trung Quốc.