Sau khi Rheinart đi, chánh phủ Việt Nam cử vào Sài Gòn hai phái
viên hỏi Thomson giải thích về những sự kiện vừa diễn ra tại Bắc kỳ
và việc ra đi của Rheinart. Ông thống đốc chẳng vội gì tiếp họ. Để
tranh thủ thời gian, ông ta tuyên bố phải đợi có những tin tức chính
xác về việc chiếm thành Hà Nội mới có thể trả lời được. Ngoài ra,
Paris đã quyết định Kergaradec sẽ đi Huế với tư cách là một phái
viên bất thường có nhiệm vụ “thông báo những ý định của chánh
phủ Pháp” và “chuẩn bị cho việc ở vĩnh viễn sắp tới của Pháp tại
Bắc kỳ”.
Rivière đã chiếm Nam Định cùng với 190.000 đồng bạc của
ngân khố, tổng trấn Vũ Trọng Bình bỏ trốn. Lãnh binh Lê Văn
Diêm bị chết. Án sát Hồ Bá Ôn bị trọng thương.
Rivière tổ chức thuế quan, thiết lập các đại lý thuốc phiện, mỗi
tháng thu nhập cho ngân quỹ 7.000 francs. Y tuyên bố tình trạng
giới nghiêm và yêu cầu Đô đốc Mayer tăng viện.
Ngày 26/4/1883, Paris đánh điện cho y cho phép đánh chiếm
Bắc Ninh và Sơn Tây nếu cần và thông báo sẽ gửi cho y hai ngàn
quân viện trợ.
Quân đội Việt Nam với đạo quân Cờ đen đi tiên phong, không
ngừng vây hãm thành Hà Nội và bắn cả đại bác vào thành ban đêm.
Ngày 10/5, Lưu Vĩnh Phước cho dán lên các ngã đường thành phố
một bức tối hậu thư đầy tính chất hăm dọa. Cùng ngày hôm đó,
Rivière nhận được của Mayer những viện quân chờ đợi.
Ngày 19/5/1883, y muốn phá vòng vây thoát ra ngoài thành; với
sự sơ hở đã từng làm cho Francis Garnier trước đây thiệt mạng, coi
thường kẻ địch của mình, y xông lên với một toán quân vừa đông vừa
quyết chiến. Và cũng như Francis Garnier, y bị thương ngã xuống,
bị bắt làm tù binh, y bị quân Cờ đen giết chết.