quan hệ hữu nghị của Trung Quốc. Ý thì thái độ dè dặt không mấy
thiện cảm. Tóm lại là những kẻ bất bình không ít.
Về phía Trung Quốc, họ không ngừng lưu ý các chánh phủ
phương Tây đến vấn đề Việt Nam, tố cáo những âm mưu chinh
phục của Pháp những nguy cơ có thể nảy sinh và cản trở công việc
giao thương và buôn bán với Viễn Đông trong trường hợp bất thần
xảy ra một cuộc xung đột giữa hai nước Trung Quốc và Pháp; họ tìm
cách hình thành một khối Đồng minh nhằm ngăn cản không cho
Pháp chiếm đóng Việt Nam hoặc ít ra cũng giới hạn bớt những
phương tiện hoạt động của nó.
Tại Pháp, nỗi lo sợ bắt đầu bộc lộ ra khi được biết tin những
trận đánh ngày 15/8 và 01/9/1883, những khó khăn cần khắc phục,
những đợt viện quân quan trọng lên đường, những bài bình luận kinh
động và những nhận định đầy chất hăm dọa của báo chí nước
ngoài.
Các chính khách cánh tả cũng như cánh hữu đều có thể dựa vào
đó mà chống đối chánh phủ, Clémenceau phê phán chánh phủ đã
dẫn đất nước vào một cuộc chiến tranh mà không được Quốc hội
cho phép, có thể làm suy yếu địa vị của mình ở châu Âu. Những
người khác với thái độ chống đối ít gay gắt hơn thì tự hỏi: nước
Pháp đã tiến hành công cuộc này với một cái nhìn rõ ràng về mục
đích cần đạt tới và với những phương tiện cần thiết để đạt mục
đích đó hay không?
Ngày 11/12/1883, trong một cuộc tranh luận ở Hạ viện về vấn
đề kinh phí, Jules Ferry khẳng định rằng những phương tiện ấy đã
đầy đủ. Để giữ được đa số của mình, thủ tướng nội các chấp nhận
những yêu cầu của tướng Bouet đã đệ trình trước đây và tổ chức đạo
quân viễn chinh chia thành một sư đoàn mạnh gồm đủ mọi binh
chủng.