Lúc rời cung, Hiệp Hòa uống một liều cao thuốc phiện và
giấm thanh. Khi đặt chân trở lại Dục Đức đường, ông ta lảo đảo đi
không vững. Sĩ quan cận vệ của Tôn Thất Thuyết, Ông Ích Khiêm,
là người dẫn Hiệp Hòa đi với 50 lính Cẩm y, dâng cho ông một chén
rượu gọi là “để hồi sức”. Ông uống xong ngã lăn ra cứng đờ. Người
ta đưa ông về chỗ ở riêng của ông và tại đó ông đã tắt thở sau hai
mươi tám giờ đồng hồ đau đớn quằn quại.
Hội đồng nhiếp chính dựng lên một bản cáo trạng kết án Hiệp
Hòa chín tội, trong đó chủ yếu là các tội về hạnh kiểm buông thả,
tội ăn cắp và tội gia đình trị.
Người ta cũng nói rằng một trong những sai lầm lớn của Hiệp
Hòa là đã không trả cho ông anh họ Tôn Thất Thuyết số tiền 300
lạng vàng mà Hiệp Hòa đã hứa cho Thuyết để được lên ngôi
Với việc ông vua trẻ Kiến Phước (niên hiệu của Mệ Mến), mọi
quyền hành đều nằm trong tay hai vị phụ chánh luôn luôn tranh
giành nhau ảnh hưởng và quyền lực: Tôn Thất Thuyết thô bạo,
mọi người xung quanh đều kinh sợ, luôn luôn đa nghi và sẵn sàng
chém giết; Nguyễn Văn Tường thì nắm binh quyền; ngoài đội thân
binh (tức đội cận vệ của nhà vua) mà ông ta không ngần ngại gì đặt
dưới quyền trực tiếp chỉ huy của mình, ông ta còn tuyển mộ những
quân tình nguyện làm đội quân cận vệ của cá nhân ông ta. Nguyễn
Văn Tường thì sau khi liên kết với người Tàu, trong lúc ông đang làm
Thượng thư bộ Tài chính để chiếm độc quyền chuyên chở gạo cho
nhà nước trong những điều kiện rất tốn kém cho quốc gia và rất
có lợi cho bản thân ông ta, giờ đây lại nhận hối lộ cũng của những
người Tàu đó để cho họ nhập khẩu tiền giả.
Tuổi vị thành niên của nhà vua - nhà vua không hề biết gì cả - và
những chuyện cạnh tranh của hai vị “phụ chánh đại thần” này làm
nên những mối họa lớn cho đất nước.