trong lớp và chớ hề thiết tha đến việc chơi cùng đám đông. Đứng trên hành
lang, nhìn xuống sân trường ngập nắng và bạn bè xiên quàng vào nhau
trong tiếng cười trong veo đến lạ lẫm, tôi thấy mình thuộc về đâu đó xa lắc
lơ. Có cảm giác nguyên cả ngôi trường tự chia làm hai nửa, một nửa tất bật
ồn ào thường khi và nửa kia dành cho mình tôi tự kỷ. Vậy mà lại lấy làm
vui vì đứa trẻ 10 tuổi bỗng được sở hữu nguyên cả không gian riêng và giờ
ra chơi một mình thơ thẩn hóa ra là ký ức còn nguyên lành nhất mỗi lần
nhắc lại chuyện áo trắng học sinh.
Lớn lên, đi làm, lại thích nhất những giờ tan ca khi trời đã tắt nắng. Tôi còn
nhớ con đường từ tòa soạn cũ ra bãi giữ xe phải băng qua một ngã tư tất bật
và đi trên vỉa hè lát đá có hàng hoa sữa dịu dặt mỗi độ trời chuyển mình vào
Thu. Chẳng cần biết công việc hôm đó bề bộn thế nào, chỉ cần bước ra khỏi
văn phòng, thả mình vào dòng xe cộ lướt nhanh như những dòng suối len
qua nhẹ hẫng, còn bản thân là cát sỏi nằm lại bên bãi bờ, thư thả và điềm
nhiên. Không chút bận tâm người xe hỗn độn chộn rộn xung quanh, tôi cứ
bước theo thói quen về phía hàng cây thơm lừng mùi hoa sữa đợi sẵn. Đó là
những giây phút hiếm hoi yên bình nhất của ngày. Độc bộ trên đường, cười
một mình và lẩm nhẩm bài thơ Haiku của Basho “Trên con đường này.
Giữa mùa thu ấy. Đi về không ai”, và thấy sự một mình đôi lúc thật buồn
mà cũng thật vui, nhỉ?
Điện thoại nhiều số liên lạc, vậy mà cuối tuần ở nhà lười nấu ăn, lướt hết
điện thoại cũng chẳng biết rủ ai, đành một mình chạy lòng vòng thành phố,
qua những con đường mơ hồ nhớ - quên của ngày cũ. Đến chừng kim xăng
báo gần cạn thì tấp đại vô lề mua ổ bánh mì không, xong chạy ngược về
nhà, đổ sữa hộp ra chấm với bánh mì, nhai nhóp nhép tinh bột cho qua hết
ngày tháng. Một mình nên ăn gì cũng chẳng còn quan trọng dở ngon.
Thế nên, không có gì lạ nếu khi yêu, tôi cũng thường đơn phương một
mình.