lại các ghi chú của cô và những gì điệp viên Dellray phát hiện, rồi gửi
hết…”
“Cho cô, trên máy chủ bảo mật.”
“Phiền cô.”
• • •
Lăn bánh tới lui trước những tấm bảng trắng thưa chữ và lắng nghe tiếng
đánh máy lạch cạch không ngớt của Amelia Sachs trên bàn phím máy tính.
Cô có vẻ không vui.
Lincoln Rhyme thì nhất định không vui rồi. Anh lướt qua chỗ cái bảng
một lần nữa. Mấy tấm bảng chết tiệt…
Vụ án gì mà toàn là đồn thổi, mập mờ và mang tính phỏng đoán.
Vô căn cứ.
Không một chút chứng cứ nào được thu thập, không chứng cứ nào được
phân tích, không chứng cứ nào được chuyển thành suy luận. Rhyme thở dài
ngao ngán.
Một trăm năm trước, nhà khoa học hình sự người Pháp Edmond Locard
nói rằng tại mọi hiện trường vụ án đều có sự chuyển giao chứng cứ giữa
hung thủ và hiện trường hoặc giữa hung thủ và nạn nhân. Sự chuyển giao
này có thể khó thấy, nhưng chắc chắn nó vẫn nằm đó chờ được tìm ra…
nếu ta biết cách tìm, nếu ta kiên nhẫn và cần cù.
Nguyên lý Locard đặc biệt đúng trong một vụ mưu sát như vụ Moreno.
Một vụ nổ súng luôn để lại một kho tàng manh mối: đầu đạn, vỏ đạn, dấu
vân tay, dấu tích của phát súng, dấu chân, các chất vi lượng tại nơi ẩn
nấp…
Anh biết manh mối tồn tại - nhưng các manh mối này lại nằm ngoài tầm
tay. Thật điên đầu. Và mỗi ngày trôi qua, không phải, mỗi giờ trôi qua, các
manh mối càng giảm giá trị vì bị phân rã, bị nhiễm bẩn và, không loại trừ
khả năng bị cướp đi.
Rhyme bấy lâu vẫn mong có thể tự tay phân tích chứng cứ được tìm
thấy, tự tay thăm dò, quan sát… sờ chạm. Một khoái cảm cực độ mà anh bị
khước từ trong nhiều năm nhọc nhằn.