30
Trời ạ, con hẻm vào buổi ban trưa ấm áp thật là.
Tởm.
Hẻm hóc ở thành phố New York có một nét duyên lạ, ta nhìn theo một
chiều: Chúng như là bản thân lịch sử được dời đến thời hiện đại, chẳng
khác nào trong viện bảo tàng. Mặt tiền các căn hộ và - ngay khu Tiểu Ý này
đây - mặt tiền các cửa hiệu, đều thay đổi qua mỗi thế hệ, thế mà các con
hẻm thì hầu như chẳng suy chuyển gì so với thế kỉ trước. Chúng trưng toàn
biển hiệu gỗ và kim loại đã phai màu đưa ra các chỉ dẫn cùng lời cảnh báo
cho người giao hàng. Chèn Chặt Bánh XE CHỞ HÀNG! Các bức tường xây
bằng gạch và đá xập xệ, chẳng ai sơn phết, chẳng ai rửa ráy. Nào những
cánh cửa tự chế gồ ghề, nào những bãi bốc hàng, nào những ống nước
chẳng dẫn đến đâu và những sợi dây điện chẳng ai dám động vào.
Không khí thì hôi hám.
Vào những ngày oi bức như thế này, người phụ bếp rất ghét phải mang
rác xuống chỗ thùng rác lớn dùng chung với vài nhà hàng khác, bởi tiệm
sushi sát bên đã đổ rác của họ vào đêm qua rồi. Khỏi đoán cũng biết bầu
không khí trưa nay như thế nào.
Cá.
Song con hẻm vẫn có một thứ khiến anh thích: tòa nhà ở phía trên Java
Hut. Xem ra trước đây nơi ấy là nhà của ai đó nổi tiếng. Theo lời cậu hầu
bàn Sanchez thì người này là một nhà văn Mỹ. Cậu nghĩ chắc là Mark
Twin. Người phụ bếp cũng đọc trôi chảy được tiếng Anh. Anh từng bảo
Sanchez là mình sẽ tìm đọc một tác phẩm nào đó của ông Twin ấy, thế mà
chẳng khi nào anh có thời gian thực hiện.