Vận một bộ com lê vàng nâu nhạt kín đáo, sơ mi trắng và cà vạt màu
xanh hoàng gia - đậm chất Caribê - người đàn ông phương phi rót đầy hai
tách từ bình cà phê mà nhân viên phục vụ phòng vừa giao rồi trở lại chỗ đi
văng. Anh trao một tách cho ông phóng viên, lúc này đang sửa soạn máy
ghi âm.
“Senor
de la Rua. Ông dùng ít sữa nhé? Hay đường?”
“Không, cảm ơn anh.”
Họ đang trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà Moreno rất
thành thạo. Anh ghét tiếng Anh và chỉ sử dụng thứ tiếng này khi cần thiết.
Anh chưa bao giờ hoàn toàn trút bỏ chất giọng New Jersey khi nói bằng
tiếng mẹ đẻ của mình, “her” nghe như “hehr”, “mirror” nghe như “mirrah”,
“gone” nghe như “gun”. Hễ nghe chính giọng điệu của mình là anh lại nhớ
về những ngày đầu ở Mỹ - bố anh dành nhiều giờ dằng dặc làm việc trong
tỉnh táo, còn mẹ anh lại đắm chìm nhiều giờ dằng dặc trong hơi men.
Những khung cảnh ảm đạm, những kẻ bắt nạt từ một trường trung học gần
đó. Rồi sự cứu rỗi xuất hiện: Gia đình anh dọn tới một nơi tử tế hơn hẳn
South Hills, một nơi mà ngay cả lời ăn tiếng nói cũng mềm mỏng và tao
nhã hơn.
Ông nhà báo nói, “Cứ gọi tôi là Eduardo được rồi.”
“Còn tôi là Roberto.”
Tên anh thật ra là “Robert” nhưng cái tên ấy sặc mùi luật sư phố Wall,
mùi chính trị gia Washington và mùi của lũ tướng tá nơi chiến trường luôn
gieo trên đất khách những cái xác của dân bản địa như mớ hạt giống rẻ tiền.
Thế mới có cái tên Roberto.
“Ông sống tại Argentina,” Moreno nói với ông nhà báo, một người đàn
ông nhỏ nhắn, đầu đang hói dần, mặc một chiếc sơ mi màu lam không cà
vạt cùng một bộ com lê đen đã sờn chỉ. “Thành phố Buenos Aires phải
không?”
“Đúng vậy.”
“Ông có biết gì về tên gọi của thành phố đó không?”
De la Rua nói không. Ông chẳng phải người bản địa.