bụi bặm không có máy điều hòa, bên dưới một cái quạt quay rề rề. Có lẽ
hình dung vậy là phiến diện.
“Xin lỗi, anh muốn gặp phòng nào cơ?”
Có lẽ chẳng phiến diện đâu.
“Pháp y. Gặp một người quản lý, về vụ án mưu sát Robert Moreno.”
“Xin chờ máy.”
“Không, xin cô… Khoan!”
Cạch.
Mẹ nó.
Năm phút sau anh bỗng nhận ra mình đang nói chuyện với người nữ sĩ
quan mà anh đoan chắc đã nhận cuộc gọi đầu của anh, mặc dù cô ta dường
như không nhớ anh. Hoặc giả vờ không nhớ. Anh lặp lại yêu cầu và lần này
- sau khi lóe lên một ý - đế thêm, “Tôi xin lỗi phải gấp gáp thế này. Chỉ là
nhà báo cứ gọi điện mãi. Nếu không thể đích thân cung cấp thông tin cho
họ thì tôi đành chuyển họ thẳng đến văn phòng cô vậy.”
Anh không rõ nói vậy liệu có đe dọa được gì cụ thể không, anh chỉ đang
ứng biến.
“Nhà báo ư?” cô ta hỏi một cách ngờ vực.
“CNN, ABC, CBS. Fox. Đủ các kênh.”
“Tôi hiểu rồi. Vâng, thưa anh.”
Không ngờ mánh khóe này có tác dụng, bởi vì lần chờ máy tiếp theo chỉ
mất ba giây tối đa.
“Poitier xin nghe.” Trầm, đầy nhạc điệu, ngữ điệu Anh pha âm hưởng
Caribê. Rhyme biết đến kiểu nói du dương này không phải do đã đến quần
đảo, mà vì đã từng góp sức tống một vài kẻ từ khu vực này của thế giới vào
nhà tù New York. Các băng nhóm Jamaica dễ dàng bỏ xa các băng Mafia
về mức độ bạo lực.
“Alô. Tôi là Lincoln Rhyme ở bên Sở cảnh sát New York.” Anh muốn đế
thêm, Trời có sập mẹ nó cũng đừng bắt tôi chờ máy nữa đấy. Nhưng kìm
lại.
Tay cảnh sát Bahamas: “À, vâng.” Thận trọng.
“Xin hỏi tôi đang nói chuyện với ai. Sĩ quan Poitier, đúng không?”