- 237 -
Đại Đường Tây Vực Ký
nước Ma Lạp Ba, ở phía đông bắc có nước Ma Yết Đà. Tại hai nước nầy
có những bậc thạc đức cao minh, mẫn tiệp thông thái, nhưng mà những
nước nầy cũng đều tin tà chánh không phân biệt. Có hơn 100 ngôi Già
Lam, và có hơn hai vạn Tăng Sĩ, tu theo Tiểu thừa Chánh Lượng Bộ. Có
hơn 100 ngôi đền ngoại đạo, họ sống tạp cư rất ư lộn xộn, đa phần tu
theo đạo lõa thể. Theo sử của nước cho biết rằng:
Sáu mươi năm trước đây, Vua Thi La A Dật Đa (Giới Nhựt) có trí huệ
cao minh, tài cao học rộng, biết trước, yêu mến bốn loài, kính sùng Tam
Bảo. Vốn sanh ra từ một vị thần, từ khi chưa mọc răng, mặt chưa hề sân
hận và tay không hại một vật. Khi cho voi ngựa uống nước, sợ tánh của
nước bị tổn. Lòng nhân từ như vậy đó, cho nên ở ngôi Vua đến 50 năm.
Loài dã thú cũng như người ở trong nước nầy lê dân chẳng sát hại. Trong
cung Điện có kiến lập tinh xá, trang trí rất tinh xảo, thật là trang nghiêm.
Bên trong có tạc bảy tượng Thế Tôn. Mỗi nơi đều thiết lễ cúng trai đàn
Thủy Lục, triệu tập bốn phương tăng đồ tu phước bố thí, tứ sự cúng
dường, hoặc ba y bình bát, hoặc thất bảo trân kỳ. Trên đời thật hiếm có
khó thấy. Phía tây bắc thành lớn đi hơn 20 dặm, đến làng của Bà La Môn.
Bên cạnh đó có một cái hố cạn. Mùa thu mùa hạ thì đọng lại, rồi ngấm
sâu từng ngày. Tuy có nước chảy vô nhưng chưa bao giờ đầy. Bên cạnh
đó lại xây dựng một Bảo Tháp nhỏ và nghe người xưa kể lại, đây là nơi
ngày xưa Đại Ngã Mạn Bà La Môn bị đọa vào địa ngục. Ở ấp nầy, có một
vị Bà La Môn khi sanh ra biết rộng hiểu nhiều thâm cứu hết thảy nội và
ngoại điển đến chỗ thâm huyền. Ngày tháng văn tự cái gì cũng thông
suốt. Phong cách mô phạm thanh cao, ai nghe cũng đều kính nể. Cho
đến Vua cũng trân quý cung kính và quốc dân đều tôn trọng. Học trò có
hơn 1000 người đều là những bậc nổi danh. Một hôm nói rằng:
- Ta vốn vì đời mà xuất thế, thuật lại các việc Thánh để hướng dẫn
cho người Phàm. Trước là những kẻ hiền nhân, sau là những nhà triết
học, chẳng có ai có thể so sánh với ta. Sánh với Đại Tự Tại Thiên, Bà Sổ
Thiên, Na La Diên Thiên, cùng với Phật. Người nào cũng có những kỹ
thuật để dạy đạo, nhưng mà chưa thể cạnh tranh, được tôn kính triệt
để. Ta nay đức độ đã đầy đủ, đã có tên trên danh đàn một thời với họ,
chẳng khác gì những sự vinh hiển. Bèn dùng gỗ chiên đàn màu đỏ, khắc
tượng Đại Tự Tại Thiên, Bà Sổ Thiên, Na La Diên Thiên, Phật Thế Tôn
v.v...đoạn làm tòa ngồi có bốn chân. Khi nào có ai đến, ông ta tự phụ
leo lên ngồi, với tâm đầy ngã mạn như thế. Lúc ấy ở phía tây Ấn Độ có
một vị Tỳ Kheo, tên là Bạt Đà La Sổ Chi (Hiền Ái). Hiểu rất rõ ràng về
Nhân Minh và nghiên cứu thâm sâu các Luận khác. Đạo phong thuần
hậu, hương giới lan xa, thiểu dục tri túc, chẳng mong muốn một việc gì.
Nghe như thế than rằng :