- 81 -
Đại Đường Tây Vực Ký
tích của bốn vị Phật trong quá khứ. Xá lợi của chư vị Thánh đệ tử của
Phật còn lưu giữ tại tháp nầy. Có tháp thờ quý Ngài Xá Lợi Phất, Mục
Kiền Liên, Mãn Từ Tử (Punna-Phú Lâu Na), Đa La Ni Tử, Ưu Ba Li, A
Nan Đà, La Hầu La, Mạn Thù Thất Lợi, (Văn Thù Sư Lợi) và Tháp thờ
chư vị Bồ Tát v.v... . Mỗi năm chư tăng có ba tháng an cư, và hằng tháng
có sáu ngày trai. Họ sách tấn nhau tu học rất tốt. Tín Đồ mang đồ cúng
đầy đủ, hầu hết từ những nhà buôn. Tuỳ theo chùa chiền trang nghiêm
mà tạo nên những tôn tượng đẹp. Ai tu theo A Tỳ Đạt Ma thì cúng
dường ngài Xá Lợi Phất, ai tu theo thiền định thì cúng dường ngài Mục
Kiền Liên. Ai trì tụng kinh điển thì cúng dường ngài Mãn Từ Tử. Ai tu
theo Luật thì thờ ngài Ưu Ba Ly. Còn những vị Tỳ Kheo Ni cúng dường
ngài A Nan. Những ai chưa thọ cụ túc thì thờ ngài La Hầu La. Những ai
học Đại Thừa thì thờ cúng chư vị Bồ Tát hằng ngày. Các Bảo Tháp cũng
được cúng dường tràng phan, bảo cái, linh, lọng, hương hoa, đều rải như
mưa. Ngày đêm chấn động không cùng. Quốc Vương đại thần lấy việc
tu thiện làm chính. Từ thành phía đông đi hơn 6 dặm rưỡi đến một chùa
trong núi, lấy vách đá làm phòng, lấy hang làm cửa. Tôn giả Ưu Ba Cúc
Đa (Upagupta-Cận Hộ) đã xây dựng chùa nầy, trong đó có Bảo Tháp thờ
móng tay của đức Như Lai.
Có một ngôi Già Lam ở phía bắc nằm trong núi có nhiều phòng bằng
đá cao hơn 20 thước, chiều dài hơn 30 thước. Cứ bốn tấc có một tấm thẻ
làm dấu nơi ngài Ưu Ba Cúc Đa đã thuyết pháp và hoá độ một đôi vợ
chồng. Họ đã chứng quả A La Hán. Cứ cách một thẻ, thì có những phòng
khác biệt có cắm cờ mà không ghi gì cả.
Từ phòng bằng đá ở phía đông nam cách hơn 24 dặm rưỡi, có một
hồ lớn. Bên cạnh hồ có một Bảo Tháp, ngày xưa tại đây đức Như Lai đi
kinh hành. Lúc bấy giờ có một con khỉ mang mật ong đến cúng Phật.
Phật nhận mật ong, đem hoà vào nước cho chung Đại Chúng. Con khỉ
ấy rất vui mừng nhảy lên chết tức khắc. Nhờ phước nầy mà tái sanh làm
người.
Phía bắc của ao nầy không xa, có một rừng rậm. Bốn vị Phật ở quá
khứ cũng lưu lại dấu tích trong khi đi kinh hành ở đây. Nơi đây cũng là
nơi nhập định của Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên cùng với 1250
vị Đại A Lán. Có một Bảo Tháp ghi lại tất cả những di tích ấy. Đức Như
Lai khi còn tại thế đã đến đây để thuyết Pháp và lưu lại trong rừng cây
nầy. Từ đây đi về hướng đông bắc hơn 500 dặm, đến nước Tát Tha Nễ
Thấp Phạt La.
Nước Tát Tha Nễ Thấp Phạt La chu vi hơn 7000 dặm. Đô Thành chu
vi hơn 20 dặm. Đất đai nơi đây dùng để cấy lúa. Khí hậu ôn hoà, phong
tục còn nguyên sơ. Nhà cửa phòng ốc cao sang, trang trí thật là xa hoa.