thành nội dung của điều kiện sinh hoạt của cá nhân ấy, tức nội dung sinh hoạt thị dân hiện
đại, rằng vì vậy nhân quyền không làm cho người ta thoát khỏi tôn giáo, mà chỉ làm cho
người ta có tự do tín ngưỡng tôn giáo; rằng nhân quyền không làm cho người ta thoát khỏi
tài sản mà chỉ làm cho người ta có tự do chiếm hữu tài sản; nhân quyền không làm cho người
ta vứt bỏ hành động xấu xa là chạy theo của cải, mà chỉ làm cho người ta có tự do kinh
doanh.
Người ta đã chỉ rõ cho ông Bau-ơ rằng nhà nước hiện đại thừa nhận nhân quyền và nhà
nước cổ đại thừa nhận chế độ nô lệ là cùng một ý nghĩa. Nghĩa là, giống như cơ sở tự nhiên
của nhà nước cổ đại là chế độ nô lệ, cơ sở tự nhiên của nhà nước hiện đại là xã hội thị dân và
con người của xã hội thị dân, tức là con người độc lập chỉ liên hệ với người khác thông qua
cái nút là lợi ích tư nhân và tính tất yếu tự nhiên vô ý thức, tác là kẻ nô lệ cho doanh nghiệp
của mình, nô lệ cho nhu cầu hám lợi riêng của mình và người khác. Nhà nước hiện đại thừa
nhận cơ sở tự nhiên đó của nó với tính cách như vậy trong nhân quyền phổ biến chứ không
sáng tạo ra nó. Là sản phẩm của xã hội thị dân, một xã hội do sự phát triển của bản thân mà
buộc phải thoát khỏi gông cùm chính trị cũ, nhà nước hiện đại đã dùng biện pháp tuyên bố
nhân quyền để thừa nhận, về phía mình, nơi chôn rau cắt rốn của mình và cơ sở của mình. Do
đó, sự giải phóng chính trị của người Do Thái và sự ban bố "nhân quyền" cho người Do Thái
là một hành vi trong đó cả hai mặt quy định lẫn nhau. Khi ngài Rít-xơ nhân
tiện bàn đến tự do hành động, tự do cư trú, tự do đi lại, tự do kinh doanh, v.v., ông ta giải
thích một cách chính xác ý nghĩa của những cố gắng của người Do Thái nhằm giành cho
được sự thừa nhận nhân tính tự do. Tất cả những biểu hiện đó của "nhân tính tự do" đã được
thừa nhận một cách hết sức khẳng định trong bản Tuyên ngôn nhân quyền của nước Pháp.
Người Do Thái càng có quyền yêu cầu thừa nhận "nhân tính tự do" của mình vì "xã hội thị
dân tự do" mang tính chất thương nghiệp thuần tuý và Do Thái, và người Do Thái từ lâu đã là
thành viên tất nhiên của nó rồi. Sau nữa, "Deutsch Französisch - Jahrbücher" đã chỉ rõ tại sao
thành viên của xã hội thị dân được gọi là "con người" par excellence
1*
, tại sao nhân quyền
được gọi là "quyền bẩm sinh".
Về nhân quyền, "sự phê phán" không thể nói ra điều nào có tính phê phán hơn điều mà Hê-
ghen đã nói là nhân quyền không phải là bẩm sinh mà là sản sinh ra trong lịch sử. Sau hết, sự
phê phán quả quyết rằng muốn đem lại cho người khác và bản thân mình nhân quyền phổ
biến thì người Do Thái và tín đồ Cơ Đốc phải hy sinh đặc quyền tín ngưỡng (nhà thần học
phê phán xuất phát từ quan điểm của tư tưởng cố định duy nhất của mình để giải thích mọi sự
vật) và đặc biệt đối lập với lời quả quyết đó là sự thực đã được ghi trong tất cả các bản tuyên
bố không phê phán về nhân quyền: quyền tín ngưỡng bất cứ cái gì, quyền tôn thờ bất cứ tôn
giáo nào đều được thừa nhận một cách hết sức khẳng định là nhân quyền phổ biến. Ngoài ra
"sự phê phán" phải biết rằng cái cớ để đánh bại phái Hê-be thì chủ yếu là ở chỗ phái này xâm
phạm nhân quyền vì nó xâm phạm tự do tôn giáo, rằng sau này khi khôi phục tự do thờ cúng,
người ta cũng viện đến nhân quyền.