Ta hãy rời Luân Đôn để lần lượt đến thăm những thành phố lớn khác trong toàn Vương
quốc liên hợp. Trước hết hãy xem Điu-blin, là một thành phố mà lối vào bằng đường biển thì
mỹ lệ cũng như lối vào Luân Đôn thì hùng vĩ; vịnh Đu-blin đẹp nhất trong tất cả các đảo của
Bri-ten, người Ai-rơ-len thường ví nó với vịnh Na-pô-li. Chính thành phố cũng rất đẹp, các
khu phố quý tộc xây dựng đẹp và hợp khiếu thẩm mỹ hơn ở mọi thành phố khác của Anh.
Nhưng ngược lại, các khu phố nghèo ở Đu-blin cũng lại là nơi ghê tởm và đáng sợ nhất trên
đời. Thật ra thì điều này cũng có một phần do tính cách của dân Ai-rơ-len, nhiều khi họ cảm
thấy ở bẩn mới thoải mái. Nhưng vì ở tất cả các thành phố lớn ở Anh và ở Xcốt-len, ta đều
thấy có hàng nghìn người Ai-rơ-len và vì mọi cư dân nghèo tất nhiên dần dần sa vào tình
trạng bẩn thỉu như thế, nên cảnh bần cùng ở Đu-blin không có cái gì là đặc thù riêng có của
một thành phố Ai-rơ-len, mà trái lại, đó là cái chung cho tất cả các thành phố lớn trên thế
giới. Những khu phố nghèo của Đu-blin ở phân tán khắp thành phố và tình trạng bẩn thỉu,
nhà cửa tồi tàn, phố xá không ai đoái hoài đến thì không sao tả nổi. Ta có thể hình dung cảnh
tượng chen chúc của dân
nghèo ở các khu phố này qua báo cáo của các thanh tra phòng lao động
1)
nói rằng năm
1817 ở phố Ba-rắc, 52 ngôi nhà gồm 390 phòng, chứa 1318 người và ở phố Sớc-sơ và các
đường phố phụ cận, 71 ngôi nhà gồm 393 phòng chứa 1997 người.
"Trong khu ấy và khu lân cận có rất nhiều ngõ hẻm và sân sau hôi thối (foul), các gian nhà hầm chỉ có ánh sáng nhờ cửa
ra vào, người ta thường ngủ dưới đất, mặc dù đa số cũng có giường ván. Nhưng còn ở Ni-côn-xơn Cớt chẳng hạn, trong 28
căn phòng nhỏ tồi tàn có tới 151 người sống cùng cực đến nỗi trong cả toà nhà chỉ có hai cái giường và hai cái chăn.
Sự nghèo khổ ở Đu-blin nghiêm trọng đến nỗi riêng một cơ quan từ thiện thuộc "Hội cứu
trợ những người đi ăn xin" mỗi ngày tiếp nhận đến 2500 người, tức là 1 phần trăm số dân của
thành phố, ngày cho ăn rồi tối thả ra.
Theo lời kể của bác sĩ A-li-xơn, thì thành phố Ê-đin-bớc cũng như vậy. Đó là một thành
phố mà vị trí tốt đẹp khiến nó được mệnh danh là A-ten hiện đại, nhưng nơi đây khu phố quý
tộc rất hào hoa ở khu thành phố mới là một cảnh tượng trái ngược đáng công phẫn trước cảnh
bần cùng, bẩn thỉu của khu thành phố cũ. A-li-xơn khẳng định rằng khu vực khá lớn ấy cũng
nhơ nhớp ghê tởm không kém những khu phố tồi tàn nhất ở Đu-blin và số người mà "Hội
cứu trợ những người đi ăn xin" cần cứu giúp ở Ê-đin-bớc cũng nhiều không kém ở thủ đô xứ
Ai-rơ-len. Ông còn quả quyết rằng dân nghèo ở Xcốt-len, nhất là ở Ê-đin-bớc và Gla-xgô,
khổ
cực hơn ở tất cả các miền khác trong toàn Vương quốc liên hợp và những người nghèo khổ
nhất không phải là người Ai-rơ-len mà là người Xcốt-len. Bác sĩ Li, mục sư cựu giáo hội ở
Ê-đin-bớc, năm 1836, đã nêu ra trước tiểu ban giáo dục tôn giáo như sau:
"Trước đây tôi chưa hề thấy nơi nào có cảnh nghèo khổ như ở giáo khu này. Người ta không có đồ đạc, không có một thứ
của cải gì khác; nhiều khi hai cặp vợ chồng ở chung một gian phòng. Một hôm tôi đi thăm bảy nhà trong đó đều không có
giường và một vài nhà không có cả ổ rơm nữa; có những ông bà già 80 tuổi ngủ ngay trên nền nhà; hầu hết mọi người mặc
nguyên cả áo quần mà ngủ. Trong một gian nhà hầm, tôi thấy hai gia đình người Xcốt-len mới từ nông thôn đến cách đây