Rô-đôn-phơ muốn dạy Thày giáo cầu nguyện. Ông muốn biến tên kẻ cướp có sức khoẻ
như Héc-quyn đó thành một thày tu chẳng có công việc nào khác hơn là cầu nguyện. So với
sự tàn nhẫn này của đạo Cơ Đốc thì lý luận thông thường về hình phạt, thứ lý luận chỉ biết có
chém đầu khi muốn tiêu diệt một người nào đó, là nhân đạo biết bao. Sau hết, hiển nhiên là
mỗi khi đặt ra một cách nghiêm chỉnh nhiệm vụ cải tạo tội phạm, sự lập pháp chân chính có
tính quần chúng thường tỏ ra hợp lý và nhân đạo hơn nhiều so với Ha-run-an Ra-sít của nước
Đức. Nếu đem so sánh với cực hình làm Thày giáo mù mắt thì bốn khu di dân nông nghiệp ở
Hà Lan và khu di dân đày tội phạm O-xtơ-van ở An-da-xơ đều là những cuộc thí nghiệm
thực sự hợp với tính người. Rô-đôn-phơ đã tiêu huỷ con người của Phlơ đơ Ma-ri bằng cách
phó mặc cô cho vị linh mục đày đoạ và cho ý thức về tội lỗi cắn dứt, đã tiêu huỷ con người
của Dao bầu bằng cách tước đoạt tính độc lập của con người và bằng cách dìm y xuống địa vị
chó giữ nhà, cũng vậy, Rô-đôn-phơ đã tiêu huỷ con người của Thày giáo bằng cách móc mắt
anh ta để anh ta học "cầu nguyện".
Hơn nữa, mọi hiện thực sau khi được "sự phê phán thuần tuý" cải tạo một cách "giản đơn"
đều như thế cả, nghĩa là thành sự bóp méo hiện thực và sự trừu tượng vô nghĩa lý tách rời
hiện thực.
Theo ông Sê-li-ga thì ngay sau khi Thày giáo bị mù, một phép mầu đạo đức đã được thực
hiện.
Ông mách chúng ta:
"Thày giáo đáng ghê sợ đột nhiên thừa nhận lực lượng của sự thành thực và ngay thẳng; y nói với Dao bầu: Phải, tôi tin
anh, anh chưa hề trộm cắp bao giờ".
Chẳng may là trong tác phẩm của Ơ-gien Xuy, còn lưu lại lời nhận xét của Thày giáo về
Dao bầu, trong đó cũng thừa nhận điều đó, nhưng quyết không phải là kết quả của sự mù mắt
vì rằng điều đó đã được nói trước khi mù mắt. Trong câu chuyện riêng với Rô-đôn-phơ, Thày
giáo đã nói về Dao bầu như thế này:
"Song hắn không có khả năng bán rẻ bạn bè đâu. Không, hắn có chỗ tốt... hắn bao giờ cũng có những ý nghĩ kỳ quặc".
Như vậy là phép mầu đạo đức của ông Sê-li-ga đã trở thành con số không. Bây giờ chúng
ta hãy xem những kết quả thực sự của sự chữa chạy có tính phê phán của Rô-đôn-phơ.
Trước hết chúng ta thấy Thày giáo cùng Cú vọ đi đến trại Bu-cơ-van định lừa Phlơ đơ Ma-
ri một vố. Tư tưởng hoàn toàn chi phối y dĩ nhiên là ý nghĩ trả thù Rô-đôn-phơ, nhưng y chỉ
có thể trả thù một cách siêu hình, nghĩa là cố tình chọc tức Rô-đôn-phơ, cứ vắt óc nghĩ ra
"điều xấu". "Hắn đã cướp của ta thị lực, nhưng hắn không cướp được của ta ý nghĩ về điều
ác". Y kể cho Cú vọ tại sao y cho tìm mụ đến:
"Một thân một mình với những con người thành thực đó, tôi cảm thấy buồn tẻ".
Nếu do sự ham thích có tính thầy tu và thú vật đối với sự tự hạ mình của con người, Ơ-
gien Xuy đã buộc Thày giáo quỳ gối trước mụ phù thuỷ "Cú vọ" và tên ác ôn nhỏ "Thằng
thọt" cầu xin chúng đừng bỏ rơi mình, thì nhà đạo đức học vĩ đại ấy lại quên rằng làm như