sợi lanh năm 1835 lên tới 347 xưởng với 33 000 công nhân; một nửa số ấy ở Nam Xcốt-len,
hơn 60 xưởng ở khu vực phía tây Y-oóc-sia (Lít-xơ và các vùng phụ cận), 25 xưởng ở Ben-
phát thuộc Ai-rơ-len, và số còn lại ở Đoóc-xét-sia và Lan-kê-sia. Việc dệt lanh tiến hành ở
Nam Xcốt-len và một số nơi ở Anh, nhưng chủ yếu là ở Ai-rơ-len.
Người Anh cũng đạt được những thành tích rất lớn trong nghề tơ lụa. Trong công việc này,
họ nhận được nguyên liệu đã kéo thành sợi từ miền Nam châu Âu và từ châu Á; công việc
chính là xe những sợi tơ rất mảnh lại với nhau (đánh sợi). Năm 1824 về trước, công nghiệp
tơ lụa ở Anh bị trở ngại nhiều vì thuế tơ mộc rất nặng (mỗi pao 4 si-linh) và nó chỉ có được
thị trường duy nhất ở Anh và ở các thuộc địa của Anh nhờ quan thuế bảo hộ. Sau đó, thuế
nhập khẩu hạ xuống đến một pen-ni, và lập tức số công xưởng tăng lên rất nhiều. Trong một
năm số cọc sợi tăng từ 78 vạn lên 118 vạn, và mặc dầu ngành công nghiệp ấy nhất thời bị tê
liệt do cuộc khủng hoảng thương nghiệp năm 1825, nhưng ngay năm 1827 trong lĩnh vực đó
đã sản xuất nhiều hơn bao giờ hết, vì tay nghề về kỹ thuật và kinh nghiệm của người Anh đã
làm cho máy xe sợi của họ hơn hẳn so với những máy móc vụng
về của những kẻ cạnh tranh với họ. Năm 1835 Đại Bri-ten có 263 xưởng xe sợi tơ với 3 vạn
công nhân; phần lớn những xưởng tập trung ở Si-sia (Mác-cơn-xphin, Cơn-gli-tơn và các
vùng phụ cận); ở Man-se-xtơ và Xơn-mơ-xét-sia. Ngoài ra còn có nhiều xưởng chế biến
những mụn tơ của kén tằm làm thành một thứ sợi đặc biệt (spunsilk) là món hàng người Anh
cung cấp cả cho các xưởng dệt lụa ở Pa-ri và Ly-ông. Lụa chế biến bằng cách đó chủ yếu
được dệt ở Xcốt-len (Pây-sli, v.v.) và ở Luân Đôn (Spi-tan-phin), nhưng cũng được dệt cả ở
Man-se-xtơ và các nơi khác nữa.
Song sự phát triển to lớn của công nghiệp Anh từ năm 1760 không phải chỉ giới hạn trong
phạm vi chế tạo hàng vải. Một khi đã có đà phát triển thì nó lan ra khắp mọi ngành của hoạt
động công nghiệp, và rất nhiều phát minh không liên quan chút gì với những phát minh đã
nói ở trên, cũng trở nên quan trọng bội phần vì diễn ra đúng vào giữa lúc phong trào công
nghiệp phát triển phổ biến. Nhưng mặt khác, một khi thực tiễn đã chứng minh tác dụng lớn
lao của sức cơ giới trong công nghiệp, thì người ta tìm đủ mọi cách để sử dụng sức ấy về mọi
mặt và để bắt nó làm cho các nhà phát minh và các chủ xưởng riêng biệt; thêm vào đó chính
nhu cầu về máy móc, về chất đốt và nguyên liệu đã trực tiếp đòi hỏi đông đảo công nhân và
các ngành công nghiệp riêng biệt tăng cường hoạt động lên gấp đôi. Chính máy hơi nước đã
làm cho các mỏ than rộng lớn ở Anh lần đầu tiên trở nên quan trọng; chỉ đến bây giờ, việc
chế tạo máy móc mới bắt đầu và cùng với việc chế tạo máy móc, người ta chú ý hơn đến các
xí nghiệp khai thác quặng sắt cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất này. Sự tiêu thụ len
tăng thêm làm cho nghề chăn cừu ở Anh phát triển và sự tăng nhập khẩu thêm len, lanh và tơ
làm cho đội thương thuyền của Anh tăng lên. Phát triển mạnh nhất là nghề sản xuất sắt.
Trước kia các mỏ sắt rất giàu ở Anh ít được khai thác; người ta thường dùng than củi để nấu
quặng, than này do sự phát triển của nông nghiệp và sự phá rừng nên sản xuất ngày càng ít,
ngày