Nhưng nếu đúng là chỉ có tiền lương tương đối, từ tiền lương tính theo sản phẩm bị hạ, còn
tiền lương tuyệt đối, tức tổng số tiền công mà người công nhân kiếm được trong một tuần lễ,
vẫn không có gì thay đổi, thì từ đó nên rút kết luận gì? Kết luận chỉ là công nhân phải yên
lặng nhìn các ngài chủ xưởng nhét đầy túi, hoàn toàn được hưởng lợi ở mỗi cải tiến, mà
chẳng chia cho công nhân một tý chút nào. Giai cấp tư sản, trong khi đấu tranh với công
nhân, đã quên mất ngay cả những nguyên lý cơ bản nhất của khoa kinh tế chính trị của chính
họ. Cái giai cấp tư sản ấy trong các trường hợp khác đều sùng bái Man-tút lại hoảng hốt kêu
lên với công nhân rằng: nếu không có máy móc thì thử hỏi mấy triệu con người tăng thêm
trong số nhân khẩu nước Anh sẽ kiếm ở đâu ra việc làm?
1)
. Thật là nhảm nhí ! Làm như là
chính giai cấp tư sản không biết rõ ràng rằng nếu không có máy móc và sự phồn thịnh công
nghiệp do máy móc tạo nên thì "mấy triệu con người" ấy đã không bao giờ sinh ra và lớn lên
! Nếu nói rằng máy móc cũng mang lại lợi ích nào đấy cho công nhân thì chỉ là ở chỗ nó đã
chứng minh cho công nhân thấy được sự cần thiết phải cải tạo xã hội để bắt máy móc làm
việc không phải gây hại mà là
có lợi cho công nhân. Các ngài tư sản thông thái ấy có thể đi hỏi những người quét đường ở
Man-se-xtơ hoặc ở bất cứ nơi nào khác (bây giờ, thật ra là đã muộn rồi, vì về công việc này
cũng đã có phát minh và đã sử dụng máy móc), đi hỏi những người bán muối, bán diêm, bán
cam, bán dây giày, v.v., ở ngoài phố, hoặc những người buộc phải đi ăn xin, xem ngày trước
họ làm gì, thì sẽ có nhiều người trả lời rằng: họ là công nhân công xưởng bị máy móc làm
thất nghiệp. Trong điều kiện xã hội hiện tại, việc cải tiến máy móc đối với công nhân chỉ có
thể đẻ ra hậu quả bất lợi, và nhiều khi rất nặng nề; mỗi một cái máy mới đều mang lại thất
nghiệp, túng thiếu, bần cùng, và ở trong một nước hầu như khi nào cũng có "nhân khẩu quá
thừa" như nước Anh, thì trong đại đa số trường hợp, mất việc làm là điều bất hạnh nhất đối
với một công nhân. Không cần phải nói là cái hiện tượng sống không được đảm bảo ấy, sinh
ra bởi kỹ thuật không ngừng phát triển và nạn thất nghiệp kèm theo, đã gây chán nản, ưu
phiền như thế nào cho những người công nhân mà cuộc sống vốn đã hoàn toàn bấp bênh !
Muốn khỏi rơi vào tình trạng tuyệt vọng, người công nhân ở đây chỉ có hai con đường: hoặc
phản kháng giai cấp tư sản cả bên trong lẫn bên ngoài, hoặc rượu chè và phóng đãng nói
chung. Và công nhân Anh, có người đã chọn con đường thứ nhất, có người đã chọn con
đường thứ hai. Lịch sử giai cấp vô sản Anh đã thuật lại hàng trăm cuộc bạo động phá hoại
máy móc và phản kháng giai cấp tư sản nói chung, còn về cuộc sống phóng đãng thì chúng ta
đã nói đến rồi: cái đó đương nhiên chỉ là một hình thức biểu hiện đặc biệt của sự tuyệt vọng
mà thôi.
Những công nhân không may nhất là những người phải cạnh tranh với máy móc mới sử
dụng. Giá cả của hàng hoá họ sản xuất được quy định theo giá cả của cùng thứ hàng hoá ấy
do máy sản xuất; vì sản xuất bằng máy rẻ hơn sản xuất bằng tay cho nên người công nhân
cạnh tranh với máy móc đều bị trả lương thấp nhất. Còn đối với công nhân làm việc với máy
cũ, nếu phải cạnh tranh với máy mới tối tân nhất, hoàn hảo hơn cũng đều như thế