C. MÁC VÀ PH. ĂNGGHEN TOÀN TẬP - TẬP 2 - Trang 347

xưởng chải tuyết, dễ mắc bệnh phổi. Ở một số người có thể chịu đựng được thứ bụi xơ ấy,
một số thì không chịu nổi. Nhưng người công nhân không được lựa chọn, anh ta tìm được
việc ở bộ phận nào thì phải ở đấy, bất kể điều đó có ảnh hưởng gì đến phổi của anh. Hít thở
thứ bụi ấy vào phổi thì có những hậu quả phổ biến là khạc ra máu, thở khó và khò khè, đau
ngực, ho, mất ngủ, tóm lại là các triệu chứng của bệnh hen, những trường hợp nghiêm trọng
nhất thì trở thành bệnh lao (xem Stu-ác, tr. 13, 70, 101; Ma-kin-tô-sơ, tr.24 và các tr. khác;
Báo cáo của Pau-ơ về Nốt-tinh-hêm và Lít-xơ; Cau-en, tr.33 và các tr. khác; Ba-ri, tr. 12 -
năm trường hợp xảy ra trong một công xưởng - tr. 17, 44, 52, 60 và các tr. khác và ngay cả
trong báo cáo của ông; Lao-đơn, tr. 13, v.v. và v.v.). Nhưng đặc biệt có hại là công việc kéo
sợi lanh bằng phương pháp ẩm, do thiếu nữ và trẻ con làm. Nước bắn từ các ống suốt vào
người họ, nên quần áo họ phía trước lúc nào cũng ướt đẫm, và mặt đất lúc nào cũng đọng
nước. Tình hình ở các phân xưởng sợi của công xưởng kéo sợi bông cũng vậy, mặc dù ở một
mức độ thấp hơn, và những hậu quả của nó cũng là cảm mạo thường xuyên và bệnh phổi.
Giọng nói khàn khàn, the thé là đặc điểm chung cho tất cả những công nhân công xưởng,
nhưng mắc nặng nhất là những thợ kéo sợi bằng phương pháp ẩm và thợ đấu sợi. Stu-ác, Ma-
kin-tô-sơ và ngài Đ.Ba-ri đều phát biểu về những tác hại của loại công việc ấy bằng những
lời hết sức gay gắt và cũng tỏ thái độ như vậy đối với việc đại đa số chủ xưởng bỏ mặc không
quan tâm đến sức khoẻ của những thiếu nữ làm công việc ấy. Một hậu quả khác của việc kéo
sợi lanh là những biến dạng đặc biệt của vai, tức là xương bả vai bên phải nhô ra trước do
bản thân tính chất của quá trình lao động gây ra. Việc kéo sợi lanh cũng giống như việc kéo
sợi bông với máy sợi con, thường gây nên những bệnh ở xương bánh chè vì phải dùng đầu
gối để giữ các cọc sợi khi nối sợi đứt. Làm hai loại công việc ấy, người công nhân phải luôn
luôn cúi xuống, và máy lại đặt quá thấp
khiến thân thể phát triển không đầy đủ. Tôi đã từng làm việc trong một công xưởng sợi bông
ở Man-se-xtơ, theo tôi nhớ thì trong các phân xưởng dùng máy sợi con không có một người
con gái nào vóc người cao và cân đối; họ đều thấp bé, cằn cỗi, ngực lép, thân hình rất khó
coi. Ngoài những bệnh tật và dị hình ấy, công nhân còn bị những thương tật khác nữa. Làm
việc giữa máy móc thường gây nên nhiều sự rủi ro ít nhiều nghiêm trọng, kết quả là làm cho
công nhân tạm thời hoặc vĩnh viễn mất năng lực lao động. Trường hợp thường gặp nhất là bị
cụt một đốt ngón tay, trường hợp cả ngón tay, cả bàn tay hoặc cả cánh tay bị bánh xe nghiến
nát thì ít thấy hơn. Sau khi bị các vết thương ấy, thậm chí bị vết thương có khi không quan
trọng, thường cũng mắc phải bệnh uốn ván làm cho chết người. Ở Man-se-xtơ ngoài nhiều
người tàn tật, người ta còn thấy một số rất lớn người cụt chân tay; người này mất một nửa
hoặc cả cánh tay, người kia mất một bàn chân, người thứ ba mất một nửa chân, người ta
tưởng như sống giữa một toán thương binh từ chiến trận trở về. Nhưng chỗ nguy hiểm nhất
trên máy là những dây cu-roa truyền động lực từ trục đến các máy, nhất là khi chúng có
những khoá nối, song bây giờ đã hiếm có. Người nào bị dây cu-roa ngoắc phải thì trong nháy
mắt đã bị cuốn đi, bị quật vào trần nhà hoặc quật xuống sàn nhà với một sức mạnh đến nỗi
một cái xương cũng không còn nguyên vẹn và chết ngay lập tức. Từ ngày 12 tháng Sáu đến 3

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.