tuổi, còn trong những giai cấp khá giả, thì nam hay nữ, chỉ cần họ không uống rượu quá
nhiều là trông vẫn trẻ.
Ảnh hưởng của lao động công xưởng đối với cơ thể phụ nữ
cũng rất đặc biệt. Những sự huỷ hoại cơ thể do ngày lao động quá dài gây nên ở phụ nữ còn
nghiêm trọng hơn ở nam giới: những biến dạng của xương chậu (một phần do vị trí không
bình thường và sự phát triển không bình thường của bản thân xương chậu, một phần do sự
cong vẹo của phần dưới cột sống) thường là do nguyên nhân ấy sinh ra.
Trong bản báo cáo của bác sĩ Lao-đơn có nói: "Mặc dù bản thân tôi chưa từng thấy một trường hợp nào về biến dạng
xương chậu và mấy chứng bệnh khác, nhưng mỗi người thày thuốc đều phải coi tất cả những hiện tượng đó là hậu quả có thể
của ngày lao động quá dài của trẻ con; điều ấy đã được những thày thuốc có uy tín rất lớn xác nhận".
Nhiều bà đỡ và thày thuốc khoa sản đã chứng thực là nữ công nhân công xưởng đẻ khó
hơn phụ nữ khác và thường hay đẻ non (chẳng hạn xem bác sĩ Hô-kin-xơ, Văn kiện, tr.11 và
13). Ngoài ra nữ công nhân còn mắc chứng thực suy nhược toàn thân chung cho tất cả công
nhân công xưởng, và khi có thai, họ vẫn làm việc ở công xưởng cho đến tận lúc đẻ và điều
đó hoàn toàn dễ hiểu, vì nếu họ nghỉ sớm thì sợ chỗ làm của họ bị người khác chiếm mất, còn
bản thân họ sẽ bị thải; vả lại nghỉ sớm thì còn bị mất lương. Những nữ công nhân tối hôm
trước còn làm việc, và sáng hôm sau đã đẻ là việc rất thường thấy; thậm chí đẻ ngay trong
công xưởng, bên cạnh máy, cũng không phải là hiếm gì. Nếu các ngài tư sản không thấy điều
đó có gì đặc biệt, thì có lẽ vợ họ cũng sẽ đồng ý với tôi rằng gián tiếp cưỡng bức một người
phụ nữ có mang mỗi ngày vẫn phải làm việc 12, 13 giờ (trước kia còn nhiều hơn) mà lúc nào
cũng phải đứng và thường phải cúi cho đến tận ngày đẻ, thì đó là một việc vô cùng tàn khốc,
một hành vi dã man bỉ ổi. Nhưng điều đó chưa phải đã hết. Khi người nữ công nhân được
nghỉ hai tuần lễ sau khi đẻ, thì họ rất hài lòng và coi đó là một thời hạn nghỉ rất dài, Nhiều
người chỉ sau khi đẻ một tuần, thậm chí sau khi đẻ 3-4 ngày đã trở lại công xưởng làm đủ cả
ngày lao động. Có lần tôi nghe chủ xưởng hỏi người đốc công: Chị ấy còn chưa đến à ? -
Chưa, - Chị ấy đẻ được bao lâu rồi ? -
Một tuần. - Thế thì chị ta đáng lẽ phải trở lại từ lâu rồi. Một chị khác trong trường hợp như
thế chỉ ở nhà không quá ba ngày. - Tất cả điều đó thật hoàn toàn dễ hiểu: vì sợ bị sa thải, vì
sợ thất nghiệp, người nữ công nhân bắt buộc phải trở lại công xưởng mặc dù họ còn rất yếu
và còn đau; lợi ích của chủ xưởng không cho phép công nhân ở nhà vì đau ốm; công nhân
không được ốm, nữ công nhân không được phép nghỉ sau khi đẻ, không thế thì chủ xưởng sẽ
phải dừng máy lại, hoặc đầu óc cao quý của hắn sẽ phải mệt nhọc để tìm những biện pháp
giải quyết tạm thời; để khỏi xảy ra sự tình như vậy, hắn sa thải những công nhân nào dám ốm
đau.
Hãy nghe những lời nói dưới đây (Cau-en, Văn kiện, tr.77):