không biết ông, không quý trọng ông, và mỗi khi ông đến thành phố thì không có em nào là
không cùng với các em khác họp thành đoàn người đi đón ông. Ô-xtơ cũng kiên quyết phản
đối đạo luật mới về người nghèo; do đó, ông bị một người thuộc đảng Vích nào đó tên là
Toóc-nơ-hin đưa vào nhà tù nợ, vì ông đã làm quản lý cho những trang trại của hắn, và đã nợ
hắn một món tiền. Những người thuộc đảng Vích đã nhiều lần bảo ông là chỉ cần ông đừng
công kích đạo luật về người nghèo nữa thì họ sẽ trả món nợ cho ông và nói chung sẽ bảo lĩnh
cho ông. Nhưng vô hiệu! Ông cứ ở tù, và hàng tuần còn phát ra những tờ "Fleetpapers"
109
chống chế độ công xưởng và đạo luật về người nghèo.
Chính phủ của đảng To-ri lên nắm chính quyền năm 1841 lại chú ý đến các đạo luật về
công xưởng. Bộ trưởng Bộ nội vụ, ngài Giêm-xơ Grê-hêm, năm 1843 đã đưa ra một dự luật
hạn chế thời gian lao động của trẻ con xuống 6 giờ rưỡi và tăng cường việc cưỡng bách đi
học; những điểm chủ yếu của dự luật ấy là yêu cầu lập những trường học tốt hơn. Tuy nhiên,
dự luật ấy không được thông qua do sự cuồng tín của những người không theo quốc giáo -
những người phản đối giáo hội chính thức: mặc dù giáo dục cưỡng bách không yêu cầu con
em của những người không theo quốc giáo phải học chương trình giáo dục tôn giáo, nhưng
nhà trường phải chịu sự kiểm soát của giáo hội chính thức và vì kinh thánh là sách đọc cho
mọi người, do đó tôn giáo đã trở thành cơ sở của toàn bộ nền giáo dục: cho nên những người
không theo quốc giáo cho đó là nguy hiểm cho mình. Bọn chủ xưởng và nói chung là những
người thuộc Đảng tự do đều ủng hộ họ; công nhân bị chia rẽ về vấn đề giáo hội nên dửng
dưng; phe phản đối dự luật, mặc dù không được sự ủng hộ ở những thành phố công xưởng
lớn như Xôn-phoóc và Xtốc-poóc, mặc dù ở những thành phố khác như Man-se-xtơ, thì vì sợ
công nhân, họ chỉ công kích mấy điểm của dự luật, nhưng họ vẫn thu thập được chữ ký của
gần hai triệu người cho những đơn thỉnh nguyện của họ, điều ấy làm cho Grê-hêm hoảng sợ
đến nỗi phải rút dự luật của ông về.
Năm sau, Grê-hêm đã gạch đi tất cả những điều khoản về nhà trường, và để thay thế những
đề nghị trước kia, ông chỉ đề nghị hạn chế thời gian lao động của trẻ con từ tám đến mười ba
tuổi xuống mỗi ngày 6 giờ rưỡi và để cho chúng hoàn toàn nghỉ cả buổi sáng hoặc buổi
chiều; hạn chế thời gian lao động của thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi và của toàn thể nữ công
nhân là 12 giờ; ngoài ra, ông còn đề nghị thực hành một số hạn chế cho chủ xưởng không giở
được những hành vi lẩn tránh pháp luật thường xảy ra trước kia. Ông vừa đưa ra đề nghị ấy
thì việc cổ động đòi ngày lao động mười giờ lại lên cao. Ô-xtơ-lơ được ra tù, vì được bạn bè
giúp đỡ và công nhân quyên góp, đã trả được hết nợ; ông đem toàn lực lao vào cuộc vận
động ấy. Số người ủng hộ dự luật mười giờ ở Hạ nghị viện đã tăng lên, hàng loạt đơn thỉnh
nguyện từ các địa phương gửi về lại đưa đến cho bản dự luật sự ủng hộ mới. Ngày 19 tháng
Ba 1844, với đa số là 179 phiếu chống 170 phiếu, huân tước Ê-sli đã thành công trong việc
thông qua một quyết nghị quy định rằng danh từ "đêm" trong dự luật về công xưởng là chỉ
khoảng thời gian từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng hôm sau; vì vậy, do chỗ cấm làm đêm cho
nên ngày lao động không thể vượt quá mười hai giờ, nếu tính cả giờ nghỉ vào trong đó, và