chân thực, bởi vì rất khó thuyết phục nhân dân để họ đưa ra những chứng cớ bất lợi cho chủ
họ, vả lại các chủ xưởng, do sự khích động của công nhân, chúng đã bắt buộc phải nhượng
bộ nhiều hơn, đối với cuộc đi thăm của tiểu ban, thường đã chuẩn bị kỹ, đã cho quét dọn
công xưởng, giảm tốc độ vận hành của máy, v.v.. Ví dụ, ở Lan-kê-sia, họ đã dùng mưu kế
này: họ đưa bọn đốc công giả danh là "công nhân" ra giới thiệu với tiểu ban, để chúng thao
thao bất tuyệt kể lại lòng nhân đạo của chủ xưởng, những ảnh hưởng tốt của lao động đối với
sức khoẻ, sự thờ ơ thậm chí còn
chán ghét của công nhân đối với dự luật mười giờ. Nhưng bọn đốc công ấy đã không còn là
công nhân chân chính nữa, chúng là những kẻ phản bội giai cấp mình, đã vì chút lương cao
mà ra sức phục dịch giai cấp tư sản và chống lại công nhân nhằm bảo vệ lợi ích của bọn tư
bản. Lợi ích của chúng nhất trí với lợi ích của giai cấp tư sản, cho nên công nhân căm ghét
chúng hơn bọn chủ xưởng nữa. Mặc dù vậy, bản báo cáo ấy vẫn nói lên một cách hoàn toàn
đầy đủ thái độ đáng phẫn nộ và tàn khốc của giai cấp tư sản công nghiệp bỉ ổi và không chút
nhân tính. Còn cái gì làm cho người ta phẫn nộ hơn khi thấy báo cáo ấy đối chiếu hai tình
hình, một bên là bao nhiêu bệnh hoạn tàn tật do lao động quá sức gây nên; một bên là khoa
kinh tế chính trị lạnh lùng tính toán chi ly của bọn chủ xưởng là kẻ định dùng những con số
trong tay để chứng minh rằng nếu không cho phép họ mỗi năm làm cho bao nhiêu trẻ con
thành tàn tật, thì toàn nước Anh sẽ phải cùng phá sản với họ! Có lẽ chỉ có những lời bậy bạ
vô liêm sỉ của I-u-rơ mà tôi vừa dẫn mới có thể làm cho người ta phẫn nộ hơn, nếu những lời
bậy bạ ấy không quá lố bịch đến thế.
Kết quả của bản báo cáo ấy là đạo luật về công xưởng năm 1833 cấm thuê trẻ con dưới 9
tuổi làm việc (trừ những công xưởng dệt lụa), quy định thời gian lao động mỗi tuần của trẻ
con từ 9 tuổi đến 13 tuổi là 48 giờ, hoặc tối đa là mỗi ngày 9 giờ, thời gian lao động mỗi tuần
của thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi là 69 giờ hoặc mỗi ngày không được vượt quá 12 giờ, quy
định mỗi ngày nhất thiết phải có thời gian nghỉ để ăn uống ít nhất một giờ rưỡi, và cấm làm
đêm đối với tất cả các công nhân nam nữ dưới 18 tuổi. Đồng thời đạo luật ấy lại quy định tất
cả các trẻ con dưới 14 tuổi bắt buộc phải đi học mỗi ngày hai giờ, nếu chủ xưởng thuê những
trẻ con chưa có giấy chứng nhận vào học ở trường do giáo viên cấp, thì sẽ bị phạt. Ngược lại,
chủ xưởng có quyền trừ vào lương của trẻ con mỗi tuần 1 pen-ni để trả lương cho giáo viên.
Ngoài ra, người ta còn bổ nhiệm những thày thuốc và thanh tra
công xưởng, những người này có quyền vào công xưởng bất cứ lúc nào để nghe công nhân
làm chứng có tuyên thệ, và có trách nhiệm truy tố trước toà án hoà giải những chủ xưởng vi
phạm pháp luật. Đó là đạo luật và bác sĩ I-u-rơ không kiềm chế nổi mình nên đã chửi rủa
không tiếc lời!
Do việc thi hành đạo luật ấy, đặc biệt là sự bổ nhiệm các thanh tra, cho nên ngày lao động
bình quân rút xuống 12-13 giờ, và trẻ con đã được thay thế bằng người lớn trong phạm vi có
thể. Vì thế mà mấy tai hoạ kinh sợ nhất hầu như đã hoàn toàn biến mất, chỉ có những người
cơ thể hết sức yếu mới thành tật và những hậu quả tai hại của lao động công xưởng nói chung