họ muốn có cách mạng, nhưng lại muốn mượn tay công nhân làm. Họ muốn bắt công nhân
phải thò tay vào lửa lấy hạt dẻ cho họ, và vì họ mà chịu bỏng tay mình. Chỗ nào cũng lại đưa
ra khẩu hiệu "tháng thần thánh" mà phái Hiến chương đề ra năm 1839, tức là tổng bãi công
của công nhân; nhưng lần này không phải công nhân muốn nghỉ việc mà là chủ xưởng muốn
đóng cửa nhà máy, đưa công nhân về nông thôn, đẩy họ đến những lãnh địa của bọn quý tộc,
muốn dùng thủ đoạn ấy để buộc nghị viện và chính phủ của đảng bảo thủ phải bãi bỏ thuế
ngũ cốc. Lẽ tự nhiên là cái đó có thể đưa đến khởi nghĩa, những giai cấp tư sản vẫn nấp trong
bóng tối và có thể ngồi yên mà chờ kết quả, vạn nhất có thất bại thì cũng không nguy hiểm gì
đến mình. Cuối tháng Bảy tình hình thị trường bắt đầu hơi khá một chút; không thể trì hoãn
được nữa, và để khỏi lỡ thời cơ, ba công ty ở Xtê-li-brít-giơ đột nhiên hạ tiền lương xuống
chính trong khi tình hình kinh tế đang khá lên (xem báo cáo về thương nghiệp của Man-se-
xtơ và Lít-xơ cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám). Họ tự động làm thế hay có thoả thuận với
các chủ xưởng khác, đặc biệt là với Đồng minh, tôi không thể nói quả quyết được. Nhưng
chẳng bao lâu hai công ty phải rút lui, còn công ty thứ ba, tức công ty Uy-li-am Bê-li và anh
em thì vẫn không lay chuyển và tuyên bố đáp lại lời phàn nàn của công nhân, rằng nếu họ
không thích thế thì tốt hơn hết là họ cứ việc đi dạo chơi một thời gian. Câu nói châm biếm ấy
khiến cho công nhân la ó phẫn nộ và rời bỏ công xưởng toả ra khắp thành phố để kêu gọi tất
cả công nhân bãi công. Chỉ sau mấy giờ tất cả các công xưởng đều ngừng việc, công nhân kết
thành từng đoàn kéo đến Mốt-tơ-ram - Mua để họp mít-tinh. Bấy giờ là ngày 5 tháng Tám.
Ngày 5 tháng Tám 5000 người kéo nhau đến A-stơn và Hai-đơ khiến mọi công xưởng và mỏ
than đều ngừng việc, và tổ chức những cuộc mít-tinh ở khắp nơi, ở đấy không phải là nói về
việc phế bỏ đạo luật ngũ cốc như giai cấp tư sản hy vọng, mà là nói về "tiền công phải chăng
cho một ngày lao động phải chăng (a fair day's wages for a fair day's work)".
Ngày 9 tháng Tám họ kéo đến Man-se-xtơ; vì các nhà đương cục địa phương đều là người
của Đảng tự do nên họ không gặp ngăn trở gì về phía các nhà đương cục, khiến mọi công
xưởng ở đó đều ngừng việc. Ngày 11 tháng Tám họ đến Xtốc-phoóc; khi họ xông vào nhà tế
bần, đứa con cưng của giai cấp tư sản, thì lần đầu tiên họ gặp sức kháng cự. Cùng ngày hôm
ấy ở Bôn-tơn đã nổ ra tổng bãi công và nhiều cuộc náo động mà các nhà đương cục cũng
không cản trở gì; chẳng bao lâu cuộc khởi nghĩa đã lan rộng đến mọi khu công nghiệp, trừ
công việc gặt hái và công nghiệp thực phẩm, tất cả công việc khác đều đình chỉ. Nhưng các
công nhân khởi nghĩa vẫn bình tĩnh. Không phải chính tự họ muốn nổi lên mà là bị bắt buộc:
trừ một người, đảng viên đảng To-ri, ở Man-se-xtơ tên là Bớc-li ra, các chủ xưởng, đều làm
trái với thói quen của họ, không chống lại bãi công. Sự việc đã bắt đầu nổ ra, nhưng bản thân
công nhân không có mục đích rõ ràng. Thật ra tất cả họ hoàn toàn nhất trí ở một điểm là
không có lý gì lại xông vào lửa đạn để bảo vệ lợi ích của bọn chủ xưởng chống đạo luật ngũ
cốc, nhưng về các mặt khác, thì một số người đòi thực hiện Hiến chương nhân dân, một số
khác lại cho rằng việc đó còn quá sớm và chỉ đòi khôi phục lại mức tiền lương năm 1840