một nơi kinh tởm nhất, một nơi mà chỉ có bọn đồ đệ của Man-tút trổ hết tài nghệ mới nghĩ ra
được. Thức ăn ở đó còn tồi hơn thức ăn của người công nhân nghèo nhất, mà công việc thì lại
nặng nhọc hơn, vì nếu không như thế thì những công nhân ấy sẽ thích vào ở nhà tế bần hơn là
sống cuộc sống đáng thương ở ngoài. Những người sống ở nhà tế bần rất ít khi nhìn thấy thịt,
nhất là thịt tươi; họ nhận được phần lớn là khoai, bánh mì loại tồi nhất và cháo yến mạch,
rượu bia thì rất ít, hoặc không có. Thậm chí thức ăn ở nhà tù nói chung còn tốt hơn ở đây, cho
nên những người ở nhà tế bần thường cố ý phạm một tí tội để có thể vào tù. Thực tế thì nhà
tế bần cũng là một nhà tù. Người nào không làm xong khối lượng công việc được giao thì
không được ăn; người nào muốn ra phố thì xin phép trước, nhưng có được phép hay không
thì tuỳ theo hạnh kiểm của anh ta hay ý kiến của quản đốc trại; cấm hút thuốc lá; không được
phép nhận quà biếu của họ hàng hoặc bạn bè ở ngoài. Những người nghèo ấy mặc một thứ
đồng phục của nhà tế bần và hoàn toàn phải tuân theo quyền độc đoán của quản đốc trại. Để
lao động của họ không cạnh tranh với công nghiệp tư nhân, những công việc phân phối cho
họ phần nhiều là vô ích: đàn ông phải đập đá, và phải đập "bằng một người đàn ông khoẻ
mạnh làm việc khẩn trương có thể đập được trong một ngày"; đàn bà, trẻ con và cụ già thì
tước những dây thừng cũ, để làm gì thì tôi quên mất rồi. Để tránh sinh nở thêm "người thừa"
và để cho cha mẹ "bại hoại đạo đức" khỏi ảnh hưởng đến con cái, gia đình bị phân tán, vợ,
chồng, con cái bị chia ra ở trong nhiều nhà khác nhau, thỉnh thoảng họ mới được gặp nhau,
vào thời gian quy định, và chỉ khi nào ban quản trị nhận thấy họ có hạnh kiểm tốt. Còn để
cho cái bệnh nghèo truyền nhiễm trong những ngục Ba-xti ấy bị cách ly hẳn với thế giới bên
ngoài, những người ở
trong ấy chỉ khi nào được cấp trên cho phép mới được tiếp khách ở phòng tiếp khách đặc
biệt, nói tóm lại có thể tiếp xúc với người ngoài nếu có sự kiểm soát hay sự cho phép của cấp
trên.
Theo đạo luật quy định thì thức ăn phải vệ sinh và sự đối xử phải nhân đạo. Nhưng tinh
thần của đạo luật đã quá rõ rệt đến nỗi khó lòng thực hiện được những yêu cầu ấy. Các uỷ
viên của tiểu ban luật về người nghèo và cả giai cấp tư sản Anh sẽ sai lầm nếu cho rằng có
thể chỉ thực hiện nguyên tắc mà tránh được những hậu quả tất nhiên của nó. Cách đối xử với
người sống ở nhà tế bần do văn bản của đạo luật mới quy định trái ngược hẳn với toàn bộ
tinh thần của nó. Khi mà về thực chất, đạo luật đã coi người nghèo như tội phạm, coi nhà tế
bần như nhà tù cải tạo, coi người ở đấy như người ở ngoài pháp luật, ở ngoài nhân loại, như
là hiện thân của mọi sự xấu xa, thì mọi mệnh lệnh trái lại cũng đều vô dụng. Cho nên trong
thực tế bọn quan chức đối xử với người nghèo không phải theo văn bản mà là theo tinh thần
của đạo luật. Ở đây xin đơn cử mấy dẫn chứng.
Mùa hè năm 1843, có một em bé trai lên năm tuổi trong nhà tế bần ở Grin-vích vì lầm lỗi
gì đó phải giam trong nhà xác suốt 3 đêm, em phải ngủ trên nắp áo quan. Trong nhà tế bần ở
Héc-nơ có một em bé gái cũng bị phạt như vậy chỉ vì đêm ngủ em đái dầm. Lối phạt này
hình như rất thịnh hành. Nhà tế bần này ở vào một vùng hẹp nhất của Ken-tơ, có đặc điểm là