tất nhiên phải nảy sinh ra sự hoàn toàn không ăn khớp giữa sản xuất và tiêu dùng. Vì xã hội
hiện đại giao việc phân phối hàng hoá cho thương nhân, bọn đầu cơ và chủ hiệu buôn, mà
mỗi tên chỉ nhìn vào lợi riêng của mình nên, - khỏi phải nói người không có của không có
cách nào để nhận được phần hàng hoá mà mình cần thiết, - trong việc phân phối sản phẩm
cũng xảy ra tình trạng không ăn khớp. Chủ xưởng làm sao có thể xác định được số lượng sản
phẩm cần thiết ở thị trường này hay thị trường kia? Mà giả dụ anh ta có thể xác định được đi
chăng nữa thì anh ta làm thế nào biết được số lượng do những kẻ cạnh tranh của anh ta gửi
tới mỗi thị trường ấy? Phần nhiều anh ta hoàn toàn không thể biết được hàng hoá mình vừa
sản xuất ra chạy đi đâu thì làm thế nào anh ta lại có thể biết được số lượng hàng hoá do kẻ
cạnh tranh của anh ta ở nước ngoài gửi tới mỗi thị trường ấy? Về tất cả những cái đó, anh ta
chẳng biết gì hết, anh ta cũng như những kẻ cạnh tranh của anh ta đều sản xuất theo lối đoán
mò và tự an ủi rằng người khác tất cũng làm như thế. Anh ta chẳng có cái gì làm chỗ dựa,
ngoài mức giá cả thường xuyên lên xuống, mức giá cả này khi anh ta gửi hàng đi đã khác hẳn
với giá cả trên thị trường xa xôi mà trước đó người ta biên thư báo cho anh ta biết; và khi
hàng sắp tới đích thì giá cả lại khác hẳn khi bắt đầu gửi hàng. Trong tình hình sản xuất hỗn
loạn như vậy, lẽ tự nhiên là trong thương nghiệp thường xảy ra hiện tượng đình đốn là hiện
tượng đương nhiên càng nghiêm trọng hơn ở những nước công nghiệp càng phát triển. Bởi
vậy về mặt này, nước có công nghiệp phát triển nhất, nước Anh, là một ví dụ rõ rệt nhất. Do
thương nghiệp phát đạt, do có nhiều bọn đầu cơ và bọn môi giới hàng xen vào giữa chủ
xưởng sản xuất và người tiêu dùng thực sự, cho nên, so
với chủ xưởng ở Đức thì chủ xưởng ở Anh càng khó biết được quan hệ qua lại giữa một bên
là hàng tồn kho và sản xuất với một bên là tiêu dùng; huống hồ chủ xưởng ở Anh cung cấp
hàng hoá cho hầu hết tất cả các thị trường trên thế giới, anh ta hầu như không bao giờ biết
được hàng của mình đi đâu, và do đó, trong tình hình sức sản xuất công nghiệp của Anh rất
đồ sộ, rất hay xảy ra tình trạng hàng hoá đột nhiên tràn ngập tất cả các thị trường. Thương
nghiệp đình đốn, công xưởng hoạt động một nửa thời gian hoặc ngừng hẳn, hàng loạt người
phá sản, hàng tồn kho buộc phải bán ra với giá hết sức rẻ mạt và một phần lớn vốn đã dày
công tích luỹ được nay lại tiêu biến mất bởi hậu quả của khủng hoảng thương nghiệp ấy. Ở
Anh có thể chứng kiến hàng loạt những cuộc khủng hoảng thương nghiệp như vậy kể từ đầu
thế kỷ này, và trong hai chục năm qua, cứ 5 hoặc 6 năm chúng lại lặp lại một lần. Thưa quý
vị, chắc phần lớn các vị còn nhớ rõ những cuộc khủng hoảng cuối cùng vào năm 1837 và
1842. Nếu như công nghiệp của chúng ta cũng phát triển, thị trường của chúng ta cũng được
mở rộng như công nghiệp và thương nghiệp Anh thì chúng ta cũng sẽ chịu những hậu quả
như thế, song hiện nay ở nước ta, ảnh hưởng của cạnh tranh đối với công nghiệp và thương
nghiệp biểu hiện ở sự tiêu điều lâu dài phổ biến trong tất cả các ngành công nghiệp, ở tình
cảnh bi thảm lấp lửng giữa sự phồn vinh nhất định và sự suy sụp hoàn toàn, ở sự đình đốn
nào đó, tức là sự ngừng trệ.
Nguyên nhân thực sự của tình cảnh khó khăn ấy là do đâu? Cái gì đã gây ra sự phá sản của
giai cấp tiểu tư sản, sự trái ngược sâu sắc giữa giàu và nghèo, sự đình đốn của thương nghiệp,